Biên phòng - Trong những năm qua, Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế đã tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế giúp phụ nữ nghèo biên giới nâng cao đời sống. Năm 2014, mô hình Tặng dê giống, của Phụ nữ xã Hồng Thủy, huyện A Lưới được thực hiện và phát huy hiệu quả, tạo động lực thoát nghèo cho chị em. Không những vậy, các chị còn phối hợp với các tổ chức và nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ để phụ nữ nghèo không bị bỏ lại phía sau.
Theo Đại úy Trần Thị Nam Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế: “Qua các chuyến công tác lên biên giới, chúng tôi thấu hiểu cuộc sống khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần của đồng bào, nhất là chị em. Tuy số hội viên chúng tôi không đông, nhưng trước những khó khăn của phụ nữ biên giới, chúng tôi quyết tâm làm việc gì đó để góp phần giúp họ vươn lên, nâng cao đời sống. Năm 2014, qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy nuôi dê là hướng đi hiệu quả, vì vậy, Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế đã tạo nguồn vốn hỗ trợ hai hội viên nghèo tại xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) xây dựng mô hình nuôi dê để nhân rộng”.
Được Đại úy Nam Phương giới thiệu, chúng tôi đến xã Hồng Thủy để tìm hiểu và được biết, mô hình đã được Đảng ủy, UBND xã Hồng Thủy nhân rộng giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. 6 con dê được Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế tặng hai phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của xã Hồng Thủy, đến nay, hai hội viên này đã phát triển chúng lên thành hai đàn dê với hàng chục con, giúp họ thoát nghèo.
Bà Hồ Thị Nới, thôn 3 xã Hồng Thủy chia sẻ: “Nhờ đàn dê phát triển tốt, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và đang có tích lũy. Từ đôi dê ban đầu, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của các cô BĐBP và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, tôi đã biết phương pháp chăm sóc, nên đàn dê sinh trưởng rất tốt, mỗi con dê cái, một năm đẻ 2 lứa, mỗi lần sinh từ 2 đến 3 con. Dê con đến tuổi xuất chuồng đều có người đến tận nhà thu mua, giá cả ổn định. Nhờ đó, gia đình tôi thoát nghèo, tôi rất biết ơn các cô BĐBP”.
Cũng từ những cặp dê đầy tình nghĩa của Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế giúp, bà Hồ Thị Miên, thôn 5, xã Hồng Thủy đã có tiền để sửa sang nhà ở, mua sắm các vật dụng có giá trị phục vụ sinh hoạt, con cái có điều kiện cắp sách tới trường.
Ngoài ra, thực hiện phong trào “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” phát triển kinh tế, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế tích cực hưởng ứng mô hình “Heo đất tiết kiệm” và “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, thu được hơn 40 triệu đồng. Số tiền này để cho phụ nữ nghèo vay xoay vòng không lãi suất, giúp hội viên đầu tư chăn nuôi, trồng rau sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình Tặng dê phụ nữ nghèo biên giới, Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế đã mua 10 con dê giống gửi Đồn Biên phòng Hương Nguyên và A Đớt nuôi giúp. Hiện nay, đàn dê này sinh trưởng và phát triển tốt, tạo nguồn quỹ tiếp tục tặng phụ nữ nghèo biên giới phát triển kinh tế.
Không chỉ xây dựng các mô hình kinh tế, Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cấp hội phụ nữ tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công, trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn hai tuyến biên giới của tỉnh, với trên 20 triệu đồng; xây dựng nhà tình nghĩa cho một hội viên trị giá 60 triệu đồng. Đồng thời, tham gia tích cực cùng đoàn y, bác sĩ đơn vị thực hiện tốt chương trình phối hợp quân dân y, tổ chức nhiều đợt khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chính sách, người nghèo; tuyên truyền giáo dục con em cán bộ, hội viên tránh xa các tệ nạn xã hội, không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ bỏ học...
Năm 2017, Hội đã phát động và phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức chương trình "Ấm tình mùa Đông", quyên góp, trao quà, áo ấm, đồ dùng học tập cho trẻ em và phụ nữ nghèo 3 xã A Roàng, Đông Sơn, Hồng Thủy (huyện A Lưới) trị giá 38 triệu đồng. Hưởng ứng đợt phát động “Tết vì người nghèo” và “Nắng ấm mùa Xuân”, Hội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh tổ chức vận động quyên góp tặng 40 suất quà tết cho phụ nữ nghèo.
Đại úy Trần Thị Nam Phương cho biết: Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy mô hình nuôi dê, đồng thời, phối hợp với các tổ chức, cá nhân tạo nguồn vốn giúp phụ nữ nghèo biên giới phát triển, trong đó, tập trung hỗ trợ phụ nữ nghèo xã Hồng Vân và Hồng Quảng (huyện A Lưới) thoát nghèo bền vững, góp phần không để phụ nữ biên cương bị bỏ lại phía sau”.
Viết Hà