Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 10:17 GMT+7

Không để người dân “mù mờ” về tín ngưỡng

Biên phòng - Ông Đàm Văn Hiện, một bậc cao niên ở xã Tả Mù Cán, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang chỉ lên vách núi đang nghi ngút khói nhang cho hay dân làng ngày rằm, mùng một đầu tháng nào cũng lên đó cúng tế thắp nhang. Hỏi ông có biết chỗ đó thờ ai không thì ông nói không biết, dân cả bản đều không biết. 

Người dân thờ tự và lập nhang thờ trên vách núi xã Tả Mù Cán. Ảnh: TTH

Khi tôi leo lên lưng chừng núi nơi có một vách núi đá vôi bị bào mòn thành một hang đá nông thấy có đặt rất nhiều bát nhang. Trên các hốc đá, người dân đặt các tượng Phật nhiều loại, nhiều kiểu khác nhau. Xung quanh đó ngổn ngang nhiều tấm bia đá còn mới, trên mặt bia có khắc chữ (không phải chữ tiếng Việt). Có tấm bia đã bị vỡ, hỏng. Điều đáng nói là những tấm bia này viết gì không ai đọc được.

Người dân trong làng, người sau thấy người trước cúng bái thì cũng đều đặn nhang khói vậy thôi. Không ai biết vị trí đặt tượng rồi thờ phụng này xuất phát từ đâu và thờ ai, có liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng của người dân Việt Nam hay không. Cán bộ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang đi cùng tôi cũng lắc đầu không biết và nói rằng chưa tiếp cận được nguồn thông tin nào tin cậy để đánh giá chính xác việc thờ tự này. Chỉ biết người dân luôn nói: “Cái miếu này thiêng lắm, có thờ, có thiêng”.

Nhu cầu được làm đầy đời sống tinh thần của mình là nhu cầu thiết thực, hiện hữu của nhân dân, đặc biệt là những người sống ở nơi hoang vu, hẻo lánh. Đời sống của họ dựa vào sự cố kết cộng đồng, thực lực của bản thân, ngoài ra chỉ có thể dựa vào đức tin. Tiếc rằng, cá biệt có những nơi theo đuổi đức tin mù mờ, không rõ ràng, thấy người khác cúng bái chỗ nào thì cũng tới dâng lễ, hy vọng là có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Rất nhiều người lẫn lộn giữa tôn giáo và tín ngưỡng, không phân biệt được tín ngưỡng, đức tin tôn giáo với mê tín dị đoan. Trường hợp trên vách núi xã Tả Mù Cán chỉ là một ví dụ trong rất nhiều những trường hợp thờ tự tự phát, không rõ ràng ở miền núi hiện nay.

Bên cạnh những cơ sở thờ tự các anh hùng dân tộc, người có công khai phá, xây dựng làng xã, các ông tổ nghề, danh nhân dân tộc... được khuyến khích, có rất nhiều nơi người dân “khom lưng vái gió” ở những nơi thờ cúng tự phát, không rõ nguồn gốc. Hiện tượng này lâu dần trở thành một phần thói quen đời sống nhân dân, làm nhiễu loạn những nhận định khách quan về một vùng đất, một thời kỳ lịch sử, không phải là đại diện cho đời sống tinh thần lành mạnh.

Sự mù mờ về tín ngưỡng còn dẫn đến việc các cơ sở thờ cúng tự phát được đồn thổi, người dân tập trung đông dần, tiếng tăm đồn xa, vị trí thờ tự đó trở nên nổi tiếng, địa phương lập hồ sơ và cố gắng giải thích tín ngưỡng dân gian một cách thiếu khoa học lịch sử. Việc hợp lý hóa “sự đã rồi” cũng để mục đích làm dịch vụ du lịch gọi là “du lịch tâm linh”, trong khi chính khái niệm này cũng được sử dụng tùy tiện, không đúng chuẩn mực.

Trên dãy núi Kéo Cao ở xã Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, một vùng bằng phẳng giữa một hẻm núi dạng yên ngựa và các động đá vôi quanh đó bỗng nhiên nổi danh là nơi linh thiêng. Người dân thường gọi là nơi đất trời giao nhau và vào những ngày rằm, mùng một tháng âm lịch nếu ai đến đây cầu khấn xin lộc tài thì sẽ được như ý.

Nguyên trạng trước đây, động Giộc Đâu trên núi Kéo Cao tại khu vực này là một danh lam thắng cảnh do đường đi lên núi quanh co đẹp mắt, phong cảnh hữu tình, không khí trong lành mát mẻ. Dãy núi này cao hơn 1.000m so với mực nước biển, đứng trên núi có thể hướng tầm mắt quan sát cả vùng xung quanh bao gồm xã Cao Chương, Quang Hán, thị trấn Hùng Quốc, Cửa khẩu Trà Lĩnh.

Vài năm trước, có một nhóm người từ nơi khác đến kéo nhau lên núi làm lễ cúng bái và nói rằng, đây là nơi có địa thế phong thủy, nơi tiếp nhận sinh khí vũ trụ, nơi trời đất gặp nhau cho nên linh thiêng, huyền bí lắm. Từ đó, nơi này được dân tứ xứ thập phương kéo đến chiêm bái, đặt hàng ngàn chiếc bát hương khắp các hốc đá, gốc cây và buộc những sợi vải đỏ để cầu may. Tượng Phật và nhang khói đặt khắp nơi, lan ra cả một cánh rừng. Sự bát nháo ở chỗ, có những nơi thờ tự đặt tượng Phật mà người dân lại cúng cỗ mặn, xôi gà, nơi đất trống không có chỗ đặt đồ cúng lễ thì chồng lễ lộn xộn, người người chen chúc mà không biết cùng nhau lên núi để bái lạy điều gì.

Tín ngưỡng của nhân dân luôn được tôn trọng. Về phía địa phương cũng để người dân tự do cúng lễ. Tuy nhiên, vì hẻm núi hoang vắng, việc giữ gìn an ninh, trật tự, tránh để những đối tượng xấu chiếm dụng nơi này để bắt nạt khách hành hương, du lịch, tụ tập sử dụng ma túy cũng khiến các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự khá vất vả. Trên khu đất trống này hiện có biển cảnh báo nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân làm biến dạng cảnh quan di tích danh lam thắng cảnh.

Nhưng yếu tố tâm linh ly kỳ được đồn thổi càng ngày càng khiến cho khu vực này trở thành nơi kỳ dị, từ một hẻm núi trong lành biến thành nơi chồng chất các bát nhang và dòng người cúng bái không hiểu bản chất của việc cầu khấn tế lễ có lợi ích gì cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Truy đến tận cùng thì không ai biết vì sao nơi này lại linh thiêng và được đông người thờ cúng đến thế. Còn cơ quan chức năng thì ngoài việc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, họ cũng không mạn bàn về chiều sâu văn hóa, thói quen tâm linh của cộng đồng.

Việc người dân thờ tự một cây hoa hiếm trổ bông mà họ chưa từng thấy trước đây, một con rắn chưa nhìn thấy bao giờ... đều đã từng xảy ra. Càng ở những nơi hẻo lánh, người dân càng cần được tuyên truyền, phổ biến kiến thức tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa dân tộc để có thể duy trì một đời sống tinh thần lành mạnh, tươi sáng.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO