Biên phòng - Hơn 1 tháng qua, ngành y tế Việt Nam phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng kép” khi tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế và nhiều cán bộ y tế trong khu vực công lập nghỉ việc. Đây là những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, cần được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm, kịp thời xử lý, khắc phục.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 28 sở y tế, 12 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo về tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Nhiều loại thuốc kháng sinh, an thần, điều trị tim mạch, gan, ung thư, tiểu đường, huyết áp… thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang cạn kiệt vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm.
Nhiều bệnh nhân phản ánh phải bỏ tiền túi mua thuốc khi thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế hết, nhất là thuốc biệt dược, thuốc hiếm; hoặc có người phải chuyển sang bệnh viện tư để điều trị, phẫu thuật. Việc thiếu thuốc chữa bệnh, các trang thiết bị y tế chuyên sâu đang đe dọa sức khoẻ và tính mạng của nhân dân trong bối cảnh xuất hiện nhiều dịch bệnh mới nguy hiểm…
Bộ Y tế cho biết, xảy ra tình trạng trên, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng đã gây ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong nước.
Đáng lo ngại là trước một số vi phạm gần đây trong ngành y tế khiến một số cán bộ ngành y, địa phương e ngại sợ sai khi tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế theo quy định. Thậm chí, lãnh đạo một số bệnh viện sợ trách nhiệm, ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế...
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mua sắm trang thiết bị y tế theo Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn về xây dựng giá kế hoạch trước biến động tăng giá. Thế nên khi giá thuốc, vật tư y tế tăng cao, hầu hết các đơn vị đều e ngại việc giải trình với cơ quan kiểm tra, giám sát sau này...
Trước tình hình trên, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát tổng thể các quy định hiện hành, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; chủ động ban hành các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện, ban hành mới quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí đối với thiết bị y tế; đẩy mạnh phân cấp hoạt động cấp phép đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm của tuyến dưới theo quy định.
Bộ Y tế khẳng định, ưu tiên lúc này là tập trung đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác, phù hợp với Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn, tuyệt đối không để người bệnh tham gia bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; gia hạn hiệu lực số đăng ký với 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành; cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, 856 số lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D. Đến nay, trên 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang hoàn tất thủ tục, trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; nâng cao chính sách đãi ngộ, bảo đảm đời sống cho nhân viên ngành y để họ an tâm, gắn bó với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Thanh Thảo