Biên phòng - Từ năm học 2022-2023 trở đi, học phí tại các cấp học dự kiến sẽ tăng mạnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân, vấn đề này nhận được nhiều ý kiến phản hồi của dư luận.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (Nghị định số 81), một số địa phương và các trường đại học đã lên phương án tăng học phí vào năm học tới.
Cụ thể, thành phố Hà Nội vừa công bố dự thảo dự kiến mức thu học phí trung học cơ sở từ 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000 - 155.000 đồng đang áp dụng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, phương án học phí đề xuất cho năm học 2022-2023 ở bậc trung học cơ sở tăng từ 60.000 lên 300.000 đồng/tháng, các cấp học khác tăng 70.000 - 180.000 đồng/tháng, tùy khu vực.
Tương tự, nhiều địa phương trong cả nước dự kiến mức học phí trong năm học mới 2022-2023 cũng sẽ tăng mạnh. Tính toán chung, mức học phí với các trường công lập tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất có thể lên đến 1,6 triệu đồng/tháng ở bậc phổ thông, 5,46 triệu đồng/tháng với giáo dục nghề nghiệp và trên 6 triệu đồng/tháng với bậc đại học.
Thông tin trên đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Chi phí học hành sẽ trở thành gánh nặng đối với nhiều người dân, nhất là người nghèo, công nhân lao động.
Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khung học phí được Chính phủ ban hành từ năm 2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến năm học 2022-2023 các địa phương mới triển khai.
Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quyền quyết định việc tăng học phí mà chỉ có thể đề nghị các bộ, ngành, địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người dân, góp phần bình ổn giá, an sinh xã hội và các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế sẽ quyết định mức học phí theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình.
Đối với các trường đại học thì tùy theo mức độ tự chủ. Nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên, một phần chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần theo quy định của Nghị định số 81. Đối với trường đạt chuẩn kiểm định quốc gia, quốc tế, được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do nhà trường tính toán.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trước đề xuất tăng học phí gấp nhiều lần so với giai đoạn trước. Nhiều đại biểu kiến nghị trong điều kiện đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nên có chỉ đạo thống nhất để tạm hoãn việc tăng học phí, ít nhất là trong năm tới để tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, đời sống của người dân giảm bớt khó khăn.
Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn, việc Chính phủ tăng học phí là chủ trương đúng nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, cần có cơ chế, giải pháp tăng học phí ở mức độ phù hợp, hỗ trợ tốt nhất cho học sinh được đến trường, phát triển toàn diện.
Mặt khác, điều phụ huynh quan tâm là học phí tăng có đi kèm với chất lượng. Hiện, các khoản thu khác trong năm học còn cao hơn nhiều so với học phí; tình trạng lạm thu ở các nhà trường mới là vấn đề khiến phụ huynh bức xúc chứ không hẳn là học phí.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn thu học phí là một trong những điều kiện để tăng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, việc học phí cao, quá khả năng chi trả của nhiều gia đình đã tước đi cơ hội học tập của nhiều người.
Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan cần đề xuất các phương án tài chính khác bổ trợ để giảm thấp nhất sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận, thụ hưởng giáo dục do học phí gây ra, nhất là đối với học sinh nghèo.
Thanh Thảo