Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 08:38 GMT+7

Không để hình thành các ổ nhóm, đường dây mua bán người

Biên phòng - Để chủ động đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người, ngày 26-6-2019, Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Kế hoạch số 2784/KH-BTL về triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển. Đến nay, sau hơn 3 tháng thực hiện, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xác lập, đấu tranh thành công 13 chuyên án, bắt giữ, xử lý 18 vụ/21 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 32 nạn nhân.

34fl_6a
 BĐBP Cao Bằng phối hợp với lực lượng chức năng Trung Quốc giải cứu nạn nhân mua bán người và bàn giao về Việt Nam. Ảnh: CTV

Nhận diện thủ đoạn mua bán người

Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Để thực hiện hành vi mua bán người, các đối tượng trong nước thường câu kết với các đối tượng người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài tạo thành đường dây khép kín để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt nạn nhân từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước bán ra nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau.

Các đối tượng triệt để lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu cần việc làm của người dân hoặc thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook...), sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn giúp họ tìm kiếm việc làm, môi giới hôn nhân hoặc tán tỉnh, vờ yêu đương, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. Thời gian gần đây, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội tạo nhiều nhóm kín, diễn đàn trên mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa sang nước ngoài đẻ thuê, sau đó bán trẻ sơ sinh cho các gia đình bản địa làm con nuôi”. 

Thực tế cho thấy, hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Quá trình đấu tranh, ngăn ngừa loại tội phạm này vẫn còn nhiều thách thức. Đáng chú ý, các đối tượng phạm tội hoặc vụ việc xảy ra liên quan đến nhiều địa bàn, liên tỉnh, liên quốc gia nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, xử lý. Có những vụ án được phát hiện thì nạn nhân đã bị bán và đang ở nước ngoài. Vì thế, đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không đủ chứng cứ để bắt và xử lý. Đặc biệt, có vụ án thủ phạm đồng thời là nạn nhân của vụ án mua bán người khác, sau khi bị lừa bán sang nước ngoài, họ bỏ trốn về Việt Nam và lừa chính bạn bè, người thân của mình đem bán.

Thực hiện có chiều sâu các mặt công tác

Sau 3 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, các đơn vị BĐBP tăng cường lực lượng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được 618 buổi/26.185 lượt người tham gia; tổ chức phát 2.500 tờ rơi về pháp luật phòng chống mua bán người. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi, vùng miền, qua đó, đã làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân trong phòng chống tội phạm mua bán người. 

Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị BĐBP thực hiện có chiều sâu các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chú trọng nắm chắc tình hình tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới; tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ các đường dây, đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán người, tập trung vào các đối tượng, đường dây mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia. Lực lượng phòng chống tội phạm các đơn vị cũng chú trọng điều tra, xác minh đối tượng có biểu hiện nghi vấn đưa người ra nước ngoài sinh con, mang thai hộ vì mục đích thương mại và tội phạm môi giới, mua bán bộ phận cơ thể người trong và ngoài nước. 

Trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, khu vực giáp ranh, đường mòn, lối mở qua lại biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, trao đổi thông tin, tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.

Theo Đại tá Phan Thăng Long, trong thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Vì vậy, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm này cần tập trung thực hiện tốt công tác nắm tình hình, phát huy hiệu quả biện pháp trinh sát kỹ thuật, kịp thời phát hiện đấu tranh các đường dây mua bán người hoặc tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế, tiến hành điều tra, xác minh, xác lập chuyên án chung, bắt giữ tội phạm và giải cứu nạn nhân.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO