Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19

Biên phòng - Dịch Covid-19 diễn biến khó lường đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng nông sản. Thực tế, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng nông sản đến vụ thu hoạch nhưng không được thu hái, tiêu thụ khó khăn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Để giải quyết vấn đề này, cùng với các bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và kết nối cung cầu cho các mặt hàng nông sản.

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 580 đầu mối cung cấp nông sản. Ảnh: Cao Trần

Đảm bảo cung ứng các mặt hàng nông sản

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho biết, hiện nay, nguồn cung lương thực, thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đã được đảm bảo. Đến ngày 3-8, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT tại phía Nam đã tổng hợp, kết nối được khoảng 639 đầu mối cung ứng nông sản và thực phẩm.

Cùng với tăng cường kết nối với các doanh nghiệp và hợp tác xã để kịp thời triển khai, mở rộng sản xuất, tiêu thụ nông sản, Tổ công tác đã tổng hợp 639 đầu mối cung cấp nông sản và đã giải quyết về cơ bản khâu ách tắc tại các trạm kiểm soát. Hiện, việc lưu thông hàng hóa đã có sự thông thoáng hơn so với trước đây, nhưng vẫn gặp khó khăn, chủ yếu là cấp xã, thôn...

Tổ Công tác 970 Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp cùng Tổ công tác 970 của Bộ Quốc phòng tổ chức huy động và đã trao tặng hỗ trợ 1.000 phần lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ tiêu dùng trong 1 tuần cho 1.000 công nhân, lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa Covid-19 tại thành phố Thủ Đức, TP HCM. Trong 2 tuần tới, Tổ công tác 970 tiếp tục triển khai trao tặng 9.000 phần lương thực - thực phẩm thiết yếu cho đối tượng công nhân lao động gặp khó khăn đang sống tại các nhà trọ tại TP HCM.

Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội, việc cung ứng nông sản hiện đang ổn định. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, nhìn chung, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tới nay vẫn ổn định, các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu. Bộ đã làm việc với các sở, ngành của Hà Nội kết nối các hợp tác xã thu mua, cung ứng nông sản các tỉnh phía Bắc để đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối không bị đứt gãy...

Hiện, thành phố Hà Nội có 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, 113 kho lạnh để dự trữ. Hà Nội cũng có 786 chuỗi an toàn thực phẩm liên kết với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc. Cho đến hiện tại, lượng hàng hóa cung ứng cho thành phố vẫn đảm bảo.

Về phân phối, có khoảng 616 cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố Hà Nội. Hệ thống bán lẻ của Thủ đô hiện có 29 trung tâm thương mại, 458 chợ đầu mối, 127 siêu thị và 1.800 cửa hàng tiện ích. “Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành của thành phố xác định điểm tập kết hàng hóa nông sản trong những tình huống xấu nhất. Bộ NN&PTNT và thành phố Hà Nội cũng đang thống nhất đầu mối phối hợp để xây dựng các phương án cụ thể về sản xuất, vận chuyển, phân phối” - ông Toản cho biết thêm.

“Trên tinh thần lâu dài, kiên trì và không chủ quan, Tổ công tác 970 phía Bắc sẽ tăng cường kiểm soát an toàn tại cơ sở chế biến thực phẩm. Đồng thời, sẽ thảo luận với thành phố Hà Nội kế hoạch tổ chức vùng đệm, trạm trung chuyển và nâng cao năng lực của các kho lạnh tại thành phố Hà Nội. Cần có kế hoạch, kịch bản, phương án trước cho các tình huống có thể xảy ra” - ông Toản nói về các công việc cần triển khai tiếp theo để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại Hà Nội.

Giữ vững sản xuất

Cùng với việc triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, ngành Nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Trong đó, vấn đề được quan tâm hiện nay là đảm bảo cung ứng vật tư nông nghiệp đảm bảo cho sản xuất, trong đó có con giống.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải đảm bảo được nguồn giống về cây trồng, vật nuôi. Hiện, do thực hiện các biện pháp giãn cách phòng chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải phá bỏ gà giống, tôm giống, cá giống, chuyển trứng giống thành trứng thương phẩm. Vì vậy, cần chuẩn bị sẵn phương án về nguồn cung con giống, tránh tình trạng 1 hoặc 2 tháng tới sau khi hết giãn cách xã hội xảy ra thiếu giống.

Nêu thực trạng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang rất chật vật trong đại dịch, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát hỗ trợ tín dụng thương mại và tín dụng chính sách cho nông nghiệp. Cần tăng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vì nó tác động thẳng vào “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Để duy trì, phục hồi sản xuất nông nghiệp hiện nay và trong những tháng sắp tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Trước tiên, phải làm thông suốt thị trường vật tư nông nghiệp đầu vào từ phía Bắc vào Nam, gặp khó khăn chỗ nào thì gỡ khó ở từng địa phương. Đồng thời, các đơn vị phải chuẩn bị cây, con giống để tránh đứt gãy sản xuất vụ sau”.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vaccin cho lực lượng lao động trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp. Bởi những cơ sở chế biến trong chuỗi cung ứng không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO