Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Không để dịch Covid-19 lây lan từ đường biển

Biên phòng - Tỉnh Cà Mau có tuyến bờ biển dài, có số lượng tàu, thuyền, lao động hành nghề khai thác hải sản rất lớn, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn qua đường biển rất cao. Trước thực trạng này, BĐBP Cà Mau đã duy trì nghiêm công tác canh gác, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu, thuyền trong quá trình ra, vào cập bờ, trong đó, chú trọng đấu tranh, xử lý nghiêm việc sử dụng tàu cá đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Lê Khoa

Trên tuyến bờ biển dài 254km do BĐBP Cà Mau quản lý, dân cư sinh sống đông đúc, địa phương cũng có hàng nghìn tàu cá, lao động thường xuyên hành nghề ở các ngư trường khác nhau. Ngay từ đầu khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tập trung tuyên truyền để nhân dân các địa phương, đặc biệt là ngư dân biết các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

Đến nay, BĐBP Cà Mau đã tổ chức duy trì nghiêm 20 tổ, chốt tuần tra lưu động kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn từ đường biển, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tàu cá trong quá trình hành nghề, trong đó, kiểm soát chặt chẽ về số lượng thuyền viên đăng ký hành nghề trên các tàu cá khi rời và nhập bờ.

Cùng với đó, BĐBP Cà Mau triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, bắt giữ những phương tiện tổ chức, tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Chỉ tính riêng từ cuối năm 2020 đến hết tháng 3-2021, BĐBP Cà Mau đã kịp thời phát hiện, bắt giữ trên 100 người nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Đặc biệt, đơn vị đã bắt giữ 2 vụ ngư dân Cà Mau dùng tàu cá đưa người nhập cảnh trái phép từ Malaysia vào khu vực biên giới biển của tỉnh.

Điển hình, vào ngày 2-2-2021, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau khi đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cách bờ biển xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời khoảng 2 hải lý đã phát hiện tàu đánh cá CM91651TS do Phạm Văn Chín, sinh năm 1981, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau làm chủ kiêm thuyền trưởng có hành trình di chuyển bất thường. Tổ tuần tra đã tiếp cận, kiểm tra và phát hiện trên tàu chở 34 người (gồm 9 nam, 25 nữ) là công dân Việt Nam.

Qua đấu tranh, chủ tàu khai nhận, những người trên là lao động ở Malaysia, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên trốn về nước bằng đường biển. Sau khi phát hiện vụ việc, tất cả 34 người nhập cảnh trái phép và các thuyền viên đi trên tàu cá CM91651TS được đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 8-2-2021, Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau đã ký Quyết định khởi tố vụ án hình sự về “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” quy định tại Điều 348, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tiến hành bàn giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 5-2-2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Thảo, sinh năm 1963, thường trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời về hành vi tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép. Theo hồ sơ điều tra, vào ngày 22-1-2021, tàu cá CM99323 TS, do Lê Văn Thảo làm thuyền trưởng đã chở theo 38 công dân Việt Nam từ vùng biển giáp ranh với Malaysia nhập cảnh trái phép vào nước ta. Khi cách cửa biển Sông Đốc khoảng 3 hải lý, Thảo thuê phương tiện nhỏ trong bờ ra biển đón 38 công dân nói trên đưa vào bờ thì bị lực lượng BĐBP phát hiện, bắt giữ. Sau đó, BĐBP Cà Mau đã bàn giao hồ sơ, vụ việc cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Cà Mau theo quy định.

Từ trước đến nay, Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, Đồn Biên phòng Sông Đốc thường làm thủ tục ra, vào bờ cho tàu đánh cá của ngư dân địa phương và các nơi khác. Đại úy Đỗ Văn Lanh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi làm thủ tục cho khoảng 100 tàu cá với gần 1.000 lao động ra, vào bờ hành nghề khai thác, cung cấp hải sản.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, chúng tôi phải tăng cường cán bộ, chiến sĩ thường trực 24/24 giờ để kiểm soát tàu, thuyền đề phòng việc tàu cá vận chuyển người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta. Cùng với kiểm tra hành trình của phương tiện, lực lượng làm nhiệm vụ còn kiểm tra thân nhiệt, bắt buộc khai báo y tế từng thuyền viên khi nhập bờ. Tàu cá ra, vào ở khu vực cửa sông này thường xuyên và vào nhiều thời điểm trong ngày nên cán bộ, chiến sĩ phải thay nhau trực không để lọt bất kỳ phương tiện, thuyền viên nào chưa qua kiểm tra, kiểm soát".

Cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau kiểm tra thân nhiệt cho ngư dân khi vào neo đậu tại đảo Hòn Chuối. Ảnh: Lê Khoa

Đặc biệt, thời điểm này, khi mà ở các nước láng giềng với nước ta, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong điều kiện các chuyến bay thương mại chưa được nối lại, nguy cơ công dân Việt Nam đang lao động ở các nước trong khu vực nhập cảnh trái phép bằng đường biển là rất cao. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, BĐBP Cà Mau tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, vừa tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vừa ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.

“Chúng tôi chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình nơi tuyến đầu. BĐBP Cà Mau thường xuyên tổ chức các đoàn công tác về các đơn vị cơ sở để kiểm tra, động viên bộ đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn quan tâm đến chế độ, chính sách, huy động nguồn xã hội hóa để chăm lo cho đời sống cán bộ, chiến sĩ” - Đại tá Lương Hoàng Đông khẳng định.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO