Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Không để dịch bùng phát trở lại

Biên phòng - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới sẽ quay trở lại trong mùa đông này, khi tốc độ tiêm phòng chững lại và những biện pháp phòng dịch không còn là quy định bắt buộc ở nhiều nơi.

Vaccine phòng Covid-19.

Theo các chuyên gia, hiện có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron, vốn có khả năng lây truyền cao, đang lưu hành. Tất cả các dòng phụ này có thể dễ dàng vượt qua hệ miễn dịch, dù chúng có xu hướng ít gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các dòng phụ trước đó. Thực tế này đe dọa gia tăng áp lực lên hệ thống y tế toàn cầu, vốn đã chao đảo do cuộc khủng hoảng nhân lực trầm trọng.

WHO, ước tính ít nhất 90% dân số toàn cầu hiện nay có mức độ miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nhờ tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh. Tuy nhiên, những ngày qua, ở nhiều khu vực trên thế giới đối mặt nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại khi số ca mắc mới đang tăng mạnh tại Pháp, Ðức, Italy, Trung Quốc, Hàn Quốc..., phần lớn là các ca không triệu chứng.

Đến đầu tháng 12/2022, thế giới ghi nhận tổng cộng gần 640 triệu ca Covid-19, trong đó 6,6 triệu ca tử vong. WHO quan ngại, hơn 8.500 người không qua khỏi vì Covid-19 trong tuần trước là điều không thể chấp nhận được sau 3 năm xảy ra đại dịch, khi chúng ta đã có rất nhiều công cụ để phòng ngừa lây nhiễm và cứu sống. Những lỗ hổng trong công tác giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gen và tiêm chủng đang tiềm ẩn nguy cơ cho một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện có thể gây ra tỉ lệ tử vong đáng kể.

Xu thế thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 ngày càng lan rộng trên khắp thế giới khi các quốc gia nỗ lực đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Nhưng rõ ràng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc khi tâm lý lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân cùng các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.

Trong nước, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vaccine.

Đến hết ngày 2/11, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam là 264.709.839 liều. Trong đó, 223.100.797 liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên (51.633.543 liều tiêm nhắc lại lần 1; 17.203.311 liều tiêm nhắc lại lần 2); 23.822.732 liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi (8.946.539 liều tiêm mũi 2; 5.749.294 liều tiêm nhắc lại lần 1); 17.786.310 liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi (10.153.250 liều tiêm mũi 1; 7.633.060 liều tiêm mũi 2).

Thế giới đánh giá cao các thành tựu, kết quả của Việt Nam trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước với nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy vậy, nguy cơ dịch có thể bùng phát mạnh trở lại, cùng sự gia tăng của các ca mắc cúm mùa vào mùa đông, có thể đẩy hệ thống y tế trong nước vào khó khăn. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 11,5 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh chiếm trên 92,2% so với tổng số ca nhiễm. Đáng chú ý, trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75.

Do đó, Việt Nam vẫn cần thúc đẩy kế hoạch ứng phó các đợt bùng phát mới, đồng thời sẵn sàng ứng phó bất kỳ đại dịch nào khác xuất hiện trong tương lai. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ tuyến dưới đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Như khuyến cáo của WHO: Mỗi quốc gia vẫn cần tiếp cận các làn sóng mới với tất cả “kho vũ khí” từ trước tới nay như tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách xã hội và khẩu trang.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO