Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Không để amiăng trắng gây tổn hại đến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Kể từ khi thông tin tấm lợp phi-brô xi-măng có amiăng trắng gây ung thư được khẳng định bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) và các chuyên gia về sức khỏe môi trường trong nước khuyến cáo, thì nhận thức của nhân dân về vấn đề này đã được nâng cao rõ rệt. Nhu cầu tiêu thụ tấm lợp này trên thị trường gần đây đã giảm 30%. Tuy nhiên, tại miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự độc hại của loại vật liệu xây dựng này.

uf1v_12
Nhiều ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số được bao phủ bởi tấm phi-brô xi-măng.  Ảnh: CTV

Hiện nay, tại các tỉnh miền núi, nhà ở của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sử dụng tấm lợp phi-brô xi-măng để lợp mái. Đáng ngại hơn, nhiều hộ còn hứng nước mưa từ mái lợp phi-brô xi-măng để sử dụng trong sinh hoạt. Thậm chí, sau thời gian sử dụng, các tấm lợp cũ còn được đập vỡ vụn để lát đường đi, làm móng, nền nhà... Điều này sẽ khiến bụi amiăng phát tán vào cộng đồng dân cư rất nguy hiểm...

Amiăng là loại khoáng chất dạng sợi, có tính năng đặc biệt, như độ bền cơ học, độ bền hóa học cao, chịu nhiệt, cách điện và cách âm tốt, nên chúng đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước để sản xuất ra hàng ngàn loại sản phẩm phục vụ các ngành xây dựng, công nghiệp nặng, cho đời sống, đặc biệt là sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng (tấm lợp AC)...

Tại “Hội thảo báo chí về lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”, tổ chức mới đây tại Lạng Sơn, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: Mặc dù có nhiều công dụng, nhưng amiăng đã được thế giới chứng minh là chất gây ung thư.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có trên 107.000 người chết vì các bệnh ung thư có liên quan đến   amiăng như: Ung thư phổi, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo: “Amiăng là nguyên nhân của khoảng 50% số ca tử vong do ung thư bởi nghề nghiệp. Cách tốt nhất để phòng chống các bệnh do amiăng gây ra là không sử dụng tất cả các loại sản phẩm có chứa amiăng”.

Trước những tác hại khôn lường từ các sản phẩm có chứa amiăng gây ra, đến nay, trên thế giới đã có 64 nước cấm sử dụng amiăng (năm 2000 mới có 25 nước cấm). Nhiều nước đã giảm tiêu thụ amiăng đến mức tối đa, kèm theo đó là những tiêu chuẩn khắt khe cho những doanh nghiệp còn sử dụng nguyên liệu là amiăng.

Tại Việt Nam, 80% amiăng nhập khẩu được dùng để sản xuất tấp lợp phi-brô xi-măng, với giá thành khá rẻ. Hiện, toàn quốc có gần 30 nhà máy đang sản xuất các loại tấm lợp có chứa amiăng. Bên cạnh nguy cơ ung thư cao đối với công nhân lao động - những người tiếp xúc trực tiếp và lâu năm với amiăng, người dân sử dụng amiăng cũng phải đối diện với nguy cơ bệnh tật từ việc sử dụng tấm lợp chứa amiăng. Đáng lo ngại nhất là đa số người đang sử dụng tấm lợp phi-brô xi-măng hiện nay đều là bà con vùng sâu, vùng xa; đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng nông thôn miền núi...

Là người đặc biệt tâm huyết, đã có nhiều năm đeo đuổi quyết tâm hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng amiăng tại Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết: “Ngày 1-1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó giao cho Bộ Xây dựng: “Nghiên cứu, xây dựng phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng và chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”. Theo đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.

Để thay thế đưa vào sản xuất và sử dụng tấm lợp không có amiăng, thời gian qua, Viện Công nghệ, Bộ Công thương đã nghiên cứu thành công sản phẩm tấm lợp không có chất amiăng, ở quy mô thương mại, đạt tiêu chuẩn công nghệ quốc gia của Nhật Bản Jis A5430:2004 và đã xuất khẩu hàng trăm ngàn mét vuông sang các nước Hàn Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, châu Phi...

Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang, Nguyên phó Viện trưởng Viện Công nghệ, người chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất tấm lợp không amiăng cho biết: “Tấm lợp không amiăng do chúng ta sản xuất có tuổi thọ và độ kháng uốn tương đương với tấm lợp amiăng xi măng; độ dai và độ va đập cao hơn. Về giá thành tấm lợp không amiăng chỉ cao hơn tấm lợp phi-brô xi-măng khoảng 15-30%. Do đó, Nhà nước ta cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất tấm lợp không amiăng đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, để từng bước giảm giá thành sản phẩm”.

Đỗ Loan

Bình luận

ZALO