Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 21/09/2023 04:37 GMT+7

Không có vùng cấm trong chống buôn lậu

Biên phòng - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

pttgthbinhchutrihnchongbuonlau2
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Ảnh: CTV

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp; thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, BCĐ 389 các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia; tập trung đấu tranh, mở các đợt cao điểm nhằm tấn công, trấn áp các hành vi vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện 88.564 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính; bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra truy thu thuế đạt 7.949 tỷ 667 triệu đồng, tăng 40,44% so với cùng kỳ năm 2016; khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng….

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt. Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh hành vi vi phạm, chưa chú trọng biểu dương những việc làm tốt, chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tố giác tội phạm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

pttgthbinhchutrihnchongbuonlau
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: CTV

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương một số kết quả nổi bật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong chống buôn lậu.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm, kiểm tra công vụ, thực hiện dân chủ, công khai trong công tác cán bộ, nhất là trong khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… Có quy định cụ thể về điều chuyển, thay thế những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phong phú với việc mở các chuyên mục, chuyên trang trên các cơ quan truyền thông. Các lực lượng chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, đúng pháp luật về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu cho cơ quan báo chí công khai tuyên truyền.

“Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, đánh trúng, đánh đúng đầu nậu, xử lý nghiêm minh, tạo sức răn đe phòng ngừa vi phạm. Xác lập các chuyên án trinh sát, làm rõ các tổ chức tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm, được dư luận chú ý nhưng chỉ xử phạt hành chính để xem xét lại, nếu thấy dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị cho các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các lực lượng chuyên trách cần quyết liệt điều tra, làm rõ các vụ việc, phát hiện sớm các đường dây vận chuyển, phân tích cho được những thủ đoạn của buôn lậu, xem xét có sơ hở gì trong các văn bản quy phạm để sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh. Từ đó, có cơ sở pháp lý để ngăn ngừa, giải quyết một cách triệt để và căn cơ.

Hà Phương

Bình luận

ZALO