Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 03/06/2023 01:48 GMT+7

Không có lời giải cho bài toán U-crai-na?

Biên phòng - Kể từ khi Chính phủ U-crai-na và phe đối lập miền Đông nhất trí về một lệnh ngừng bắn mới hôm 1-9, các vụ nổ súng và đạn pháo vẫn diễn ra nhưng nhìn chung tình hình khá yên ắng, một dấu hiệu tích cực cho bước ngoặt mới trong cuộc xung đột kéo dài suốt 17 tháng qua, vốn làm xói mòn quan hệ giữa phương Tây và Nga, đồng thời gây không ít xáo trộn tại vùng Đông Âu.

imrs-1.jpg
Lính vũ trang Ki-ép giúp đỡ người dân địa phương trên đường chạy trốn khỏi chiến sự ở miền Đông U-crai-na. Ảnh: Reuters

Hy vọng ít, hoài nghi lớn

Giới chức ủng hộ châu Âu tại Ki-ép và lãnh đạo quân nổi dậy ở miền Đông U-crai-na, lực lượng mà Nga cho tới nay vẫn phủ nhận việc viện trợ vũ khí, đã có cuộc gặp ngày 8-9 nhằm “chấm dứt chiến tranh”, theo lời một thủ lĩnh lực lượng ly khai. Trước đó, Ki-ép và phe nổi dậy cam kết tái triển khai lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tháng và thỏa thuận rút vũ khí hạng nặng - những hiệp ước từng nhanh chóng đổ vỡ, dẫn tới hàng loạt thương vong cho dân thường và binh lính cả hai phe. Ngay sau đó, tần suất các vụ nã pháo và giao tranh đã giảm đáng kể. Theo thống kê, không có binh sỹ nào và chỉ một số ít dân thường thiệt mạng trong các vụ đụng độ hồi tuần trước.  

Trong giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc xung đột đẫm máu chưa từng có kể từ sau cuộc khủng hoảng Ban-căng những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi ngày có tới hàng chục người thiệt mạng. Cuộc chiến tại miền Đông U-crai-na cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất hơn 7.900 người và làm khoảng 18.000 người bị thương, chưa kể khoảng 1 triệu người U-crai-na trở thành dân tị nạn ngay chính trên mảnh đất quê hương. Nhiều nhà ngoại giao đang đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân khiến tình hình biến chuyển như hiện nay?

Hai khả năng lớn nhất được nhắc đến là những xáo trộn trong nội bộ quân ly khai và việc Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin sẽ tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Niu Y-oóc (Mỹ) trong tháng này. Một số ý kiến cho rằng ông Pu-tin có thể sẽ “chìa cành ô-liu” về phía Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và giới lãnh đạo châu Âu nhằm giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt cũng như ảnh hưởng từ thực tế giá dầu thấp đối với nền kinh tế phụ thuộc năng lượng của Nga.

Cựu Đại sứ Mỹ tại U-crai-na Xti-vân Pai-phơ, hiện làm việc cho Viện Brookings tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), cho rằng cần thêm thời gian để xem liệu lệnh ngừng bắn mới có bền vững hay không và cũng để hiểu rõ các nhân tố chính trị đang chi phối bối cảnh hiện nay.

Xung đột có thể tái diễn bất cứ lúc nào

Chiến tranh tại U-crai-na trước đây từng có những khoảng lặng nhất định, song theo sau đó luôn là giao tranh thậm chí có phần ác liệt hơn. Trọng tâm cuộc gặp ngày 8-9 tại Min-xcơ (Bê-la-rút) là việc rút các loại vũ khí cỡ nhỏ ra khỏi vùng đệm. Một nhà đàm phán thuộc lực lượng ly khai Đô-nhét-xcơ nhấn mạnh chiến tranh về cơ bản sẽ chấm dứt nếu các loại súng có nòng cỡ 100mm và nhiều loại vũ khí nhỏ được rút khỏi tiền tuyến. Còn giới chức Ki-ép tỏ ra hoài nghi về hiệu lực của thỏa thuận hiện nay.

Tình trạng yên ắng ở tiền tuyến diễn ra trong bối cảnh có thông tin về những xáo trộn trong hàng ngũ cấp cao của quân nổi dậy. Chủ tịch Quốc hội của Cộng hòa Nhân dân Đô-nhét-xcơ tự xưng, An-đrây Puốc-ghin, đã bị cách chức sau khi có thông báo ngắn gọn về việc ông này bị bắt giam. Nhân vật này được coi là một trong những thủ lĩnh phe ly khai phản đối mạnh mẽ nhất nhiều điều khoản của lệnh trừng phạt hiện hành và ủng hộ đề xuất sáp nhập Đô-nhét-xcơ vào Nga.

Ông Puốc-ghin là một trong những người thúc đẩy sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân tại Đô-nhét-xcơ về việc sáp nhập vào Nga. Điều này hoàn toàn đối lập với các thỏa thuận tại Min-xcơ. Một số nhà phân tích cho rằng ông Puốc-ghin bị bãi chức vì ông đã phản đối những điểm quan trọng trong hiệp ước Min-xcơ, trong đó kêu gọi quân nổi dậy trao trả quyền kiểm soát một phần vùng biên giới chung Nga - U-crai-na mà họ đang nắm giữ cho chính quyền Ki-ép vào cuối năm nay. Tình hình hiện nay cho thấy có thể Mát-xcơ-va sẽ gây sức ép buộc giới lãnh đạo (ly khai) tại Đô-nhét-xcơ triển khai đầy đủ thỏa thuận Min-xcơ - kể cả việc từ bỏ quyền kiểm soát biên giới U-crai-na.

Kể từ khi xung đột ở U-crai-na bùng phát hồi tháng 4-2014 đến nay, đã có ít nhất hơn một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết nhưng tình hình tại quốc gia này vẫn tiếp tục xấu đi. Nguy hiểm hơn, các cường quốc, đều đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại của riêng họ, dường như đã mệt mỏi trong việc tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở U-crai-na.

Kịch bản “B”?

Ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn hôm 8-9 có được thực thi nghiêm túc, thì cũng không còn mấy ai tin tưởng đó có thể là “phao cứu sinh” cho cuộc chiến ở U-crai-na. U-crai-na không còn là ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ, khi mà các nhà ngoại giao nước này đang có nhiều mối bận tâm, trước mắt là tập trung thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận hạt nhân với I-ran. Hơn nữa, thời gian gần đây, Nhà Trắng có dấu hiệu muốn cải thiện quan hệ với Điện Crem-lin. Đáp lại, Mát-xcơ-va khẳng định sẽ xem xét bất kỳ khả năng nào để cải thiện quan hệ với Oa-sinh-tơn. Rõ ràng, cả hai cường quốc này sẵn sàng xích lại gần nhau bất cứ khi nào điều đó mang lại lợi ích chung.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng ngày càng tỏ rõ sự thất vọng đối với chính quyền Ki-ép. Tính đến nay, EU đã rót số tiền viện trợ không nhỏ cho U-crai-na (hơn 2,2 tỷ ơ-rô), nhưng đổi lại tình hình ở miền Đông nước này ngày càng leo thang căng thẳng và thỏa thuận ngừng bắn hết lần này đến lần khác bị phá vỡ. Không những thế, EU còn phải chịu tổn thất trong mối quan hệ với Nga.

Đứng trước một tương lai hết sức ảm đạm trong khi hầu như không còn hy vọng vào sự trợ giúp của phương Tây, chính quyền U-crai-na đang tìm giải pháp cho riêng mình, bằng cách thúc đẩy kế hoạch thay đổi Hiến pháp nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông. Tuy vậy, kế hoạch này cũng không thuận lợi khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các thành viên đảng cánh hữu đối với nội dung trao thêm quyền lực cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông. Xem ra cuộc chiến ở U-crai-na còn lâu mới đến hồi kết.
Nguyệt Ánh

Bình luận

ZALO