Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 11:42 GMT+7

Không chỉ là danh hiệu

Biên phòng - Trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững (PTBV) là chiến lược và mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp, là “giấy thông hành” để doanh nghiệp đến với thị trường và hướng tới tương lai. Chính vì thế, Chương trình và Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) đã được Chính phủ đưa vào nội dung Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, ngày 15-5-2018, “Về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo”.

Cuối tháng 11 vừa qua, 100 gương mặt tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp bền vững” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức đánh giá, công bố thường niên theo sự chỉ đạo của Chính phủ. 3 năm qua, “Doanh nghiệp bền vững” không đơn thuần chỉ là một danh hiệu, mà trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với Chính phủ, các nhà đầu tư, khách hàng, qua đó, thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư và nắm bắt được những vận hội tươi sáng.

Có thể khẳng định, PTBV đang trở thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi để nâng cao năng lực của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, đến thời điểm này, còn hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang đứng ngoài “cuộc chơi” mang tính toàn cầu khi chưa tiếp cận với Bộ chỉ số CSI. Nhiều doanh nghiệp chưa hình dung ra được các công việc cần thực hiện trong lộ trình PTBV.

Một báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng, thực hiện thành công “17 Mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc đến năm 2030” sẽ mở ra cơ hội kinh doanh trị giá 12 nghìn tỷ USD và tạo thêm 380 triệu việc làm ở các nước đang phát triển. Nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không hành động ngay từ bây giờ, không tránh khỏi bị bỏ lại phía sau.

Một trong những thông điệp mà Chính phủ luôn cố gắng gửi gắm đến cộng đồng doanh nghiệp chính là thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận PTBV bằng một lăng kính mới. PTBV không phải là một câu chuyện xa vời dành cho những công ty, tập đoàn lớn hay những cường quốc của thế giới mà đang hiện hữu trong mọi lĩnh vực, là yêu cầu tất yếu sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, Bộ chỉ số CSI 2018 gồm 131 tiêu chí giúp hoạch định một lộ trình cho các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng mức chuẩn PTBV và hướng tới Bộ tiêu chuẩn quốc tế về PTBV toàn cầu (GRI Standard). Không nhất thiết là những hành động lớn lao, doanh nghiệp cần bắt đầu từ thay đổi tư duy kinh doanh, nghiên cứu kỹ lưỡng các mục tiêu toàn cầu, lựa chọn những mục tiêu phù hợp để lồng ghép vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp và áp dụng Bộ chỉ số CSI là có thể quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị cấp cao APEC 2018 vừa qua, Việt Nam là điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư cho các hoạt động đầu tư kinh doanh trong năm 2019. Để nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chuyển mình, chuẩn bị kỹ càng nội lực, vươn lên trở thành “Doanh nghiệp đạt chuẩn bền vững”, “Doanh nghiệp bền vững”, mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư quốc tế.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều thách thức, không một doanh nghiệp nào có thể tự mình giải quyết tất cả những bài toán hóc búa về công nghệ, kinh doanh, thị trường. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không phân biệt quy mô, loại hình phải hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu PTBV. Thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan quản lý, chính là một trong những phương thức hiệu quả nhất để sớm hiện thực hóa 17 Mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO