Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Khơi thông dòng chảy thương mại biên giới

Biên phòng - Với những nỗ lực tích cực từ cả hai phía, thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau một thời gian “đóng băng” vì dịch Covid-19. Trong khi đó, giao thương hàng hóa trên các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia đang có những điểm “nghẽn” nhất định do ảnh hưởng của đại dịch này.

vwul2ehafz-26677_f_k8f8o62t1_IMG_9479
Hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã và đang dần khôi phục. Ảnh: Văn Trí

Từ đầu tháng 2-2020, tình hình xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp để khơi thông xuất khẩu, đặc biệt là xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Các địa phương biên giới phía Bắc cũng trao đổi, hội đàm với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng Trung Quốc thống nhất triển khai thực hiện quy trình kiểm dịch y tế, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, từ ngày 8-2, Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đã thông quan hàng hóa trở lại từ ngày 8-2, tiếp sau đó là các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Hoành Mô (Quảng Ninh), Thanh Thủy (Hà Giang), Ma Lù Thàng (Lai Châu)… và một số lối mở.

Lượng xe xuất khẩu nhập đã tăng dần lên so với thời điểm trước đó. Trong đó, ngày 11-3 ghi nhận lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu phía Bắc đạt mức cao nhất từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay với con số 14.130 xe hàng hóa được xuất khẩu và 13.540 xe nhập. Sau mốc này, lượng xe hàng hóa được thông quan giữ ổn định ở mức trên dưới 2.000 xe mỗi ngày. Tuy nhiên xe hàng tồn trên biên giới vẫn còn khá lớn do thiếu nhân lực vận chuyển, bốc xếp.

Nhằm tăng cường công tác phối hợp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc nói chung và các địa phương của Việt Nam với Quảng Tây nói riêng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã tiến hành điện đàm với lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - cửa ngõ quan trọng trong hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất với phía Quảng Tây có phương án bổ sung nhân lực, nâng cao hiệu suất và tốc độ thông quan hàng hóa và linh hoạt cho phép phương tiện của Trung Quốc sang khu cách ly tại cửa khẩu Việt Nam nhận hàng. Đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan Trung Quốc sớm bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, cũng như qua các tuyến vận tải đường sắt; sớm đưa lối thông quan cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Trung Quốc) vào hoạt động chính thức; mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại Cửa khẩu đường sắt Bằng Tường. Cùng với đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và các loại nông sản khác gồm sản phẩm tổ yến, khoai lang cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính lũy kế từ ngày 5-2 (đầu dịch Covid-19) đến ngày 22-3-2020, các cửa khẩu biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc đã làm thủ tục xuất khẩu 27.738 xe hàng và nhập khẩu 23.979 xe. Được biết, để thúc đẩy giao thương trên biên giới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cùng phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động sau khi dịch bệnh bị đầy lùi, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phổ biến thông tin thị trường, hướng dẫn tổ chức sản xuất…

Trong khi giao thương biên giới với Trung Quốc khả quan hơn thì tình hình xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với việc liên tiếp ghi nhận những ca bệnh dương tính với virus Sars-CoV-2, Chính phủ Lào đã quyết định tạm thời đóng cửa tất cả các cửa khẩu chính và phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào kể từ ngày 19-3 đến ngày 20-4-2020. Trong khi đó, Vương quốc Campuchia có công hàm thông báo tạm dừng xuất, nhập cảnh đối với công dân 2 nước Việt Nam - Campuchia từ 23 giờ 59 phút ngày 20-3-2020, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh Covid-19.

8jr14nw0v9-26677_f_k8f8is570_anh_23
Người và phương tiện hoạt động trên khu vực cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh) đều phải thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19. Ảnh: Văn Trí

Những quyết định này bước đầu đã tác động nhất định tới tình hình giao nhận hàng hóa trên biên giới, trong đó, tại một số cửa khẩu tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã xảy ra hiện tượng tồn đọng hàng hóa do đối tác không có xe nhận hàng hoặc không có tài xế chở hàng vì sợ phải cách ly. Theo Bộ Công thương, để tránh phát sinh chi phí, giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp chỉ nên đưa hàng hóa lên cửa khẩu khi địa phương hai bên thống nhất được quy trình kiểm dịch y tế cho phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Trước mắt, để giải quyết những khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia có thể áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa đã thực hiện trên tuyến biên giới Việt - Trung. Đó là cho phép các lái xe và nhân viên theo xe hàng xuất khẩu không bị cách ly 14 ngày với điều kiện chỉ chở hàng đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa, trở về Việt Nam trong ngày và mặc đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19 theo quy định.

Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần tính đến những phương án hợp tác mới như tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại qua môi trường internet, tăng cường hợp tác thương mại điện tử qua biên giới…

Thu Hằng

Bình luận

ZALO