Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:12 GMT+7

Khơi thông dòng chảy hàng hóa cho đồng bằng sông Cửu Long

Biên phòng - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, vùng này còn thiếu các trung tâm Logistics trọng điểm, hệ thống kho và hệ thống cảng biển còn yếu, nhất là các cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu (XK). Đây chính là nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng. Thực tế đòi hỏi cần phải có những giải pháp kịp thời để cởi nút thắt này, khơi thông dòng chảy hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế ĐBSCL tương xứng với tiềm năng.

Hàng hóa ở ĐBSCL chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy nội địa. Ảnh: Bích Nguyên

Nút thắt logictics

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hằng năm, ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, dịch vụ logistics của khu vực này yếu và thiếu, nhất là các cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container XK. Do đó, hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng phải đi đường vòng rất tốn thời gian.

Ông Công cho biết thêm, hàng hóa XK của vùng ĐBSCL phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên thành phố Hồ Chí Minh để xuất đi nơi khác. Theo thống kê, có khoảng 70% lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL phải vận chuyển đến các cảng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải tăng cao hơn từ 10 - 40%. Thậm chí, một số hàng hóa phải XK bằng ô tô, đặc biệt là hàng lạnh đi Trung Quốc với giá trị thấp, chi phí cao. Không chỉ vậy, phần lớn các dịch vụ logistics cho nông sản tại ĐBSCL chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Chi phí logistics cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của nông sản vùng ĐBSCL.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống logistics chính là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL. Theo tính toán của Bộ Công thương thì chi phí logistics tại ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân chính của điểm nghẽn này được các chuyên gia đánh giá là do hệ thống logistics tại ĐBSCL còn thiếu liên kết và đồng bộ, trong đó, hệ thống cảng biển còn thiếu. Vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ và thủy nội địa, trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại miền Đông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng...

Theo quy hoạch phát triển tổng thể mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2021, ĐBSCL có 12 cảng biển. Tuy nhiên, các cảng biển này hoạt động chưa thật sự hiệu quả và thường xuyên bị bồi lấp, sạt lở. Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hoạt động của các cảng biển này chưa phát huy được hết công suất. Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua của ĐBSCL đạt khoảng từ 45 - 50 triệu tấn/năm. Số lượng container khoảng 500.000 container/năm. Tuy nhiên, thực tế, cảng biển ĐBSCL mới đạt được 50% số liệu này. Cụ thể, năm 2020, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển ở khu vực này mới đạt 22,9 triệu tấn và năm 2021, giảm còn 21 triệu tấn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Các cảng biển khu vực ĐBSCL còn bị bồi lắng và sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình là luồng Vĩnh An, dài khoảng 234km có đoạn 34km thuộc tỉnh Trà Vinh thường xuyên bị sạt lở và bồi lắng khiến tàu lớn rất khó ra vào. Thực tế, chỉ có tàu 3.000 tấn, còn nhỏ hơn tải của một sà lan vào được luồng này. Đây chính là điểm nghẽn làm giảm hiệu quả của dịch vụ logistics của ĐBSCL.

Xây dựng Cần Thơ thành trung tâm tiếp vận

Theo ông Giang, nếu khu vực ĐBSCL thiết lập được chuỗi cung ứng lạnh bằng sà lan, tàu biển thì hàng hóa sẽ được XK đi xa hơn như đi châu Âu, Mỹ và những thị trường rất hấp dẫn với giá trị cao. Cần Thơ là nơi hợp lý nhất để xây dựng trung tâm tiếp vận vùng.

Thương nhân vận chuyển thủy sản bằng xe ô tô lên cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để xuất sang Campuchia. Ảnh: Bích Nguyên

Để hoàn thiện hệ thống logistics cho vùng ĐBSCL, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất khơi luồng Định An để có thể đưa thẳng các tàu container kết nối thẳng sang Singapore và các thị trường khác. Đây sẽ là giải pháp căn cốt trong việc phát triển logistics trong khu vực. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống chiếu xạ tại Cần Thơ. Đây là nền tảng để hàng hóa xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản được xử lý ngay tại khu vực cảng, kết nối với Hải quan và các phương thức khác để tạo nên một điểm nhấn thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực.

Hiến kế hoàn thiện chuỗi cung ứng, logistics cho hàng nông sản ĐBSCL, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành - Vũng Tàu. Qua đó, làm giảm thiểu thời gian vận chuyển giữa ĐBSCL với hai khu vực cảng xuất nhập khẩu hàng hóa chính. Phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản XK, bằng đường thủy nội địa và đường biển. Phát triển trung tâm logistics tại Cần Thơ cho hàng hóa cả khu vực ĐBSCL. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phải tạo dựng dây chuyền kho nông sản, nhất là hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, quy trình sơ chế - xử lý. Triển khai và phát triển nguồn nhân lực chuỗi cung ứng và logistics chất lượng cao tại khu vực ĐBSCL để đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện tại và trong tương lai. Đồng thời, tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đủ mạnh, nhất là các doanh nghiệp liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế.

Năm 2021, ĐBSCL đã đóng góp tới 31,37% GDP ngành nông nghiệp của cả nước; trong đó, sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%. Đồng thời, ĐBSCL cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

An Nhiên

Bình luận

ZALO