Biên phòng - Đối thoại Shangri-La 2022 (SLD22) vừa diễn ra tại Singapore đã khơi dậy thêm nhiều triển vọng củng cố sự ổn định, tiếp thêm nguồn lực phục hồi và phát triển cho khu vực.

Theo giới quan sát, cuộc đối thoại này được coi là hội nghị thượng đỉnh về an ninh của khu vực châu Á, tuy nhiên đã bị gián đoạn 2 năm vì đại dịch Covid-19; đây cũng là thời điểm thế giới nói chung và khu vực nói riêng nổi lên nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, khối lượng công việc của SLD22 sẽ vô cùng lớn.
Đúng như dự báo, diễn đàn đã được tổ chức với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, trở thành một tâm điểm chính trị, an ninh quốc tế với khoảng 500 đại biểu là những quan chức chính phủ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao và giới chuyên gia từ hơn 400 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Truyền thông quốc tế cùng chung đánh giá, kết quả của SLD22 đã khơi gợi những kỳ vọng tiếp thêm những động lực quốc tế để giải quyết những thách thức an ninh hiện hữu tại khu vực, cũng như trên toàn cầu. Những biến động khôn lường trong thời gian qua cũng được nêu rõ tại diễn đàn, nổi bật như: Cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung đột bùng nổ hoặc leo thang ở nhiều nơi trên thế giới... gây nên nhiều tác động tiêu cực tới môi trường an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giới chuyên gia chính trị, an ninh quốc tế cho rằng, thời gian qua, nhiều quốc gia buộc phải có những điều chỉnh mang tính chiến lược về quốc phòng, an ninh để thích ứng với điều kiện mới, đặc biệt là quá trình hiện đại hóa quốc phòng cũng trở thành một nội dung quan trọng được tính toán lại. Những vấn đề này đã được đưa ra trao đổi thẳng thắn ở SLD22 với mục tiêu giải quyết những mối nguy cơ kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Chương trình nghị sự của SLD22 cũng tập trung các nội dung về kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực như châu Á - Thái Bình Dương; phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự và các thực lực quốc phòng mới. SLD22 trao đổi cách thức giải quyết những thách thức chung đối với quốc phòng của châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, hướng tới việc đưa ra những sáng kiến, ý tưởng mới nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực.
Với sự tham dự của đông đảo các quốc gia, bao gồm các quốc gia có vai trò “chủ chốt” toàn cầu trong các diễn biến an ninh phức tạp, SLD22 được đánh giá đã trở thành nơi để các bên chia sẻ, trao đổi trên tinh thần xây dựng, hướng tới việc giải tỏa căng thẳng, cùng tìm cách thức cải thiện, củng cố quan hệ rạn nứt vì mục tiêu ổn định trật tự khu vực. Bên lề SLD22 cũng diễn ra chuỗi hội đàm song phương đã phần nào xoa dịu bất đồng, nhất là giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Dù được đánh giá tích cực ở góc độ tổng quan, song, một số nhà bình luận chính trị chỉ ra rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, trong một diễn đàn dù lớn như SLD22, những căng thẳng, bất đồng chắc chắn sẽ không thể thuyên giảm đáng kể. Bởi, để giải quyết căn bản và hài hòa những vấn đề nổi cộm liên quan tới lợi ích, nhất là những diễn biến bất ổn vô cùng phức tạp hiện hữu sẽ cần có thời gian và những hành động thiện chí đủ mạnh. Những động thái tích cực có được ở SLD22 sẽ là tín hiệu tích cực bước đầu để các bên có thêm nền tảng, động lực tiến hành các bước đi tiếp theo.
Cũng theo bình luận của các nhà phân tích, vì sự gián đoạn hoạt động ngoại giao đa phương trực tiếp trong hơn 2 năm qua, SLD22 là một chương trình vô cùng quan trọng và cấp thiết để nối lại một kênh đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết khối lượng công việc đồ sộ trong khoảng thời gian dài. Với những kết quả tích cực có được, điển hình như việc giải tỏa nhiều khác biệt giữa các bên trong SLD22, châu Á - Thái Bình Dương cũng có thêm những triển vọng sớm khôi phục sự ổn định, bao gồm nỗ lực đa phương giải quyết thách thức an ninh chung, tăng cường các cơ chế hợp tác, giảm thiểu rủi ro đối đầu, đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Thanh Trúc