Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 12:40 GMT+7

Khởi sự kinh doanh mạnh mẽ

Biên phòng - Trong tháng 4-2022, cả nước ghi nhận kỷ lục vượt mốc 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đưa số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 lên con số 49.591. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khả năng thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cơ hội kinh doanh gia tăng... được xem là những nguyên nhân thôi thúc doanh nghiệp nhập cuộc.

Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Mỹ gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, và vú sữa. Ảnh: minh họa

Lý giải cụ thể hơn về diễn biến tích cực này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khả năng thích ứng linh hoạt và tinh thần khởi sự kinh doanh mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với hiệu ứng tích cực lan tỏa từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã giúp cho tình hình đăng ký doanh nghiệp từ đầu năm đến nay tiếp tục có những kết quả ấn tượng.

Cùng với 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 4-2022 cao gấp hơn 2 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao ở các lĩnh vực: dịch vụ (tăng 214,5%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 198,7%); bán buôn, bán lẻ (tăng 74,6%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 74,0%); giáo dục và đào tạo (tăng 67,4%)... Điều này cho thấy doanh nghiệp đã lấy lại được trạng thái kinh doanh trong tình hình mới, dựa trên khả năng sáng tạo, đổi mới và nhìn thấy những cơ hội kinh doanh đã và đang đặt ra trước mắt.

Đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đã trở lại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhóm giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất toàn diện, có ý nghĩa hết sức tích cực, như một “liều thuốc” hữu hiệu giúp doanh nghiệp phục hồi, cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây cũng ghi nhận, những nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua đã đem lại thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Quyết định khôi phục các đường bay quốc tế và mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tháng 3 vừa qua cũng được cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh.

Với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được dự báo đạt 6,5% trong năm 2022, các tổ chức tài chính quốc tế tin tưởng tình hình doanh nghiệp Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu do tắc nghẽn cảng biển thế giới cũng như biến động dịch bệnh tại Trung Quốc khiến các ngành công nghiệp đang gặp khó.

Các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc để chống dịch khiến các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường này gặp gián đoạn ở cả chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhất là sau khi nhiều nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng qua cửa khẩu đường bộ bị chậm lại vì thiếu xe container...

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường cung cấp chính nguyên phụ liệu cho một số ngành công nghiệp của Việt Nam. Do vậy, Bộ Công thương yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng những tác động từ chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc để có chiến lược kinh doanh, sản xuất phù hợp, chủ động thích ứng với nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước cần tăng cường việc mở rộng các thị trường mới, kết nối cung cầu, để tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO