Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Khởi sắc vùng biên Lũng Pô

Biên phòng - Một ngày cuối tháng 12, trở lại vùng đất Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, chúng tôi cảm nhận được sự no ấm và bình yên trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây. Kết quả đó có được là nhờ những đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung, BĐBP Lào Cai.

c5bt_12
Anh Ma Seo Lằng phấn khởi chia sẻ với cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung về một vụ mùa bội thu. Ảnh: Trung Nguyên

Thiếu úy Tẩn A Bình, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung đưa chúng tôi đến nhà anh Ma Seo Lằng, một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngồi trong ngôi nhà khang trang, hiện đại, bên trong đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, trò chuyện với chúng tôi, anh Lằng chia sẻ về những thăng trầm của người dân Lũng Pô để có được cuộc sống no ấm như ngày hôm nay: “Quê gốc của tôi ở thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, một trong những xã nghèo khó nhất của tỉnh Lào Cai. 90 hộ dân Ngải Thầu sinh sống chênh vênh trên sườn núi đá, đất đai khô cằn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khiến cho hầu hết bà con rơi vào cảnh đói nghèo. Trước tình cảnh đó, được sự giúp đỡ, vận động của chính quyền, 19 hộ dân Ngải Thầu đã chuyển về thôn Lũng Pô, để gây dựng cuộc sống mới. Khi mới về đây, chúng tôi chỉ trồng lúa và ngô, dù cái bụng đã no hơn, nhưng cuộc sống vẫn còn nghèo đói, khó khăn. Thấy bên kia biên giới, người dân Trung Quốc có cuộc sống ấm no nhờ cây sắn, cây chuối nên gia đình tôi và bà con trong thôn cũng học hỏi và làm theo. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi và bà con đã có nhiều đổi thay rõ rệt”.

Anh Lằng còn chủ động đến các nơi khác để học hỏi kỹ thuật canh tác, chăm sóc để cây cho năng suất cao và học tập các mô hình cây trồng mới. Đầu năm 2017, anh Lằng lặn lội sang Hà Giang để học hỏi kỹ thuật trồng cam, sau đó mang những kỹ thuật học được về áp dụng cho sản xuất của gia đình và chia sẻ với bà con trong thôn. Hiện tại, gia đình anh Lằng có 4ha trồng chuối, 3ha trồng ngô, sắn và 1ha trồng cam, trừ đi các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về từ 200 đến 300 triệu đồng.

Gia đình anh Lý Seo Vư ở gần đó cũng là gia đình trước đây có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi được chính quyền địa phương, BĐBP vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và chứng kiến một số hộ trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh đã học hỏi làm theo. Sau 5 năm chuyên tâm trồng chuối, trồng sắn kết hợp chăn nuôi, đến nay, gia đình anh Vư đã có cuộc sống ổn định, ấm no. Năm 2018, gia đình anh Vư thu về gần 300 triệu đồng từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ông Tẩn Láo Lở, Trưởng thôn Lũng Pô phấn khởi cho biết: “Hiện nay, toàn thôn đã trồng được 80ha chuối, 11ha quế, 12ha cam, 3ha xoài, 3ha ớt và đang trồng thử nghiệm 6ha cây bí xanh. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ một thôn có nhiều hộ đói nghèo, đến nay, Lũng Pô đã trở thành thôn khá và giàu, các gia đình không còn cảnh thiếu ăn như trước, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm”.

Sự trù phú của thôn Lũng Pô bây giờ có sự chung tay góp sức không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung. Chính các anh là điểm tựa ban đầu cho bà con khi mới “chân ướt chân ráo” về Lũng Pô lập nghiệp. Các anh cùng với chính quyền địa phương giúp những hộ dân đầu tiên xây dựng nhà để ở. Sau khi ổn định được nơi ăn, chốn ở để gắn bó dài lâu với mảnh đất Lũng Pô, các anh tính tới chuyện giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Một vài hộ dân được chọn làm điểm, sau đó nhân rộng mô hình ra toàn thôn.

Bên cạnh đó, nhằm giúp bà con trao đổi nông sản sang nước bạn Trung Quốc được thuận tiện hơn, Đồn Biên phòng A Mú Sung đã chủ động tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai và chính quyền địa phương triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai biên giới. Tháng 11-2017, thôn Lũng Pô và tổ Ngũ Đạo Hà, thôn Thủy Tào, xã Dao Sơn, huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đã tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Sau khi kết nghĩa, nhân dân biên giới hai nước đoàn kết hơn và thường xuyên hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế như: Cung cấp con giống, cây trồng, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, giúp đỡ phát triển mô hình nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trung Nguyên

Bình luận

ZALO