Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Khởi sắc trên phên dậu miền Tây Quảng Trị

Biên phòng - A Ngo vốn là xã nghèo nơi miền Tây Quảng Trị, những nỗ lực của chính quyền và nhân dân nơi đây đã khiến cho vùng đất biên viễn này ngày một khởi sắc, đời sống người dân đã có nhiều đổi thay đáng kể.

Tình quân - dân trên biên giới A Ngo. Ảnh: Tiêu Dao

Bản làng mang sắc mới

Xã biên giới A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) nằm giáp ranh huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) và huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan, nước bạn Lào). A Ngo có 7 thôn nằm rải rác trên diện tích rộng hơn 48km2, với 695 hộ/gần 3.700 khẩu, đa phần là dân tộc Pa Cô, Vân Kiều. Đời sống người dân nơi đây 10 năm về trước vô cùng khó khăn.

Thế nhưng vùng đất đói nghèo, lạc hậu bậc nhất huyện Đakrông đã trở thành quá khứ khi những dự án đầu tư tổng thể từ Chương trình 135, 30a mở ra và tiếp đó là dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm, diện mạo A Ngo bây giờ hoàn toàn khác so với những ngày trước. Trên địa bàn xã đã có hàng chục tuyến đường giao thông được nâng cấp và xây dựng mới bằng bê tông. Các công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt được tu bổ, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, cùng với cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được xây dựng mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc...

Để đạt được những kết quả đó, chính quyền và nhân dân xã A Ngo đoàn kết một lòng phấn đấu vươn lên, phát huy những tiềm năng, nét đẹp văn hóa của nhân dân. Đồng thời, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục...

Sau khi hoàn thành công tác quy hoạch đất đai, quy hoạch khu dân cư, cùng với ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh và sản xuất, xã A Ngo thực hiện có hiệu quả các chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị đóng trên địa bàn đã đồng loạt vào cuộc, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác truyền thông, thay đổi nhận thức cho người dân nhằm loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và chuyển đổi phương thức sản xuất, chính quyền xã đã phát động khai hoang, cấp đất sản xuất, hỗ trợ giống cây, giống vật nuôi, mở các lớp tập huấn kỹ thuật với phương thức cầm tay chỉ việc, xây dựng một số mô hình điểm để người dân tham khảo, học tập.

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ phía chính quyền và đồn Biên phòng, người dân xã A Ngo đã nỗ lực vươn lên xóa nghèo bằng cách khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tận dụng khai hoang đất bằng trồng lúa nước, mở rộng diện tích ngô, khoai, sắn, phát triển chăn nuôi trâu bò, dê, nuôi cá nước ngọt. Trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng ngô lai, chuối tiêu hồng, chuối mật mốc, nghệ, chăn nuôi bò, dê nhốt, ngan đen, gà bản... Đồng thời, hàng năm người dân còn trồng hàng chục héc ta rừng, nhận khoán, bảo vệ, chăm sóc hơn 1.400ha rừng sản xuất và hơn 1.500ha rừng phòng hộ đã mang lại nguồn thu nhập chính, ổn định.

Biên viễn sáng tươi

Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo ở A Ngo giảm hơn 30% so với 3 năm về trước; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 17 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2021. So với 5 năm trước, cuộc sống bây giờ của bà con đã thay đổi rất nhiều. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, có điều kiện xây dựng, sửa sang nhà cửa, sắm sửa ti vi, máy lạnh, xe máy, ô tô... Tiêu biểu như hộ các ông Hồ Văn Dom hay Hồ Văn Phiên (thôn Kỳ Ne), Hồ Pai (thôn A La), Hồ Văn Hoạt (thôn A Rồng Trên), Hồ Văn Lăng (thôn A Rồng Dưới)...

Mô hình dê giống khởi nghiệp của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay giúp người dân A Ngo phát triển kinh tế. Ảnh: Tiêu Dao

Để thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, trong những năm qua, chính quyền và người dân xã A Ngo đã tích cực duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa lâu đời, đồng thời lồng ghép thực hiện nhiều chính sách, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội và đạt những kết quả khả quan.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được ban, ngành các cấp quan tâm và phát triển toàn diện, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao. Đến nay, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học lên đạt trên 85% (30 học sinh người Pa Cô, Vân Kiều thi đỗ cao đẳng và đại học); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 15%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế thường xuyên được củng cố từ xã đến thôn, bản. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây mới, tạo điều kiện để người dân được vui chơi giải trí, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để giữ vững thành quả phát triển, cấp ủy Đảng, chính quyền xã A Ngo đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên giới. Người dân các bản làng ở A Ngo tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay trong công tác quản lý, bảo vệ cột mốc, đường biên giới quốc gia, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.

“Với đặc thù là một xã miền núi biên giới còn gặp nhiều khó khăn, để đạt được những kết quả như hiện nay là cả sự cố gắng, đồng sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, địa phương sẽ tập trung khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng trên địa bàn, phấn đấu đưa A Ngo trở thành trung tâm phát triển ở biên giới Quảng Trị”. - Ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO