Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Khởi sắc sau Nghị quyết 128

Biên phòng - Ngay sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có hiệu lực, đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng sau thời gian thực hiện giãn cách. Ảnh: Intenet

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 10-2021 đã có 8.233 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 111,2% về lượng và 73,9% về vốn đăng ký mới so với tháng 9-2021. Đặc biệt, 45/63 địa phương trên cả nước có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng sau thời gian thực hiện giãn cách.

Các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đều có sự phục hồi ấn tượng như Đà Nẵng tăng 167,3%, Cần Thơ tăng 58,3%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 31,6%, Hà Nội tăng 17,8%, Bình Dương tăng 17%, Đồng Nai tăng 3,8%...

Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 129.055 doanh nghiệp, bao gồm: 93.716 doanh nghiệp thành lập mới và 35.339 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất, kinh doanh phục hồi đã tác động tích cực đến tình hình lao động. Đến thời điểm này, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 7,7% so với tháng trước.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thể hồi phục, nhưng bức tranh kinh tế dần tươi sáng trở lại.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 10-2021 khởi sắc, tăng 6,9% so với tháng trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới.

10 tháng năm 2021, IIP tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm chủ lực tăng cao như: Linh kiện điện thoại (tăng 38,8%); thép cán (tăng 37,3%); xăng dầu (tăng 15,5%); khí hóa lỏng LPG (tăng 14,1%); ô tô (tăng 12,4%); sắt, thép thô (tăng 11,4%); giày, dép da tăng 8,5%...

Sự phục hồi sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng qua đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng kết quả của cả năm 2020.

Đáng chú ý, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD, xuất siêu đã đạt 1,1 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay đạt 267,93 tỷ USD. Hàng xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng cao tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhờ thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm sẽ duy trì ở mức trên 5% và cả năm vào khoảng 3-4%.

Các tổ chức tài chính quốc tế cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng được hỗ trợ bởi khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine; sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng các thị trường xuất khẩu do các hiệp định thương mại mang lại sẽ là các nhân tố tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.

Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, theo nhiều chuyên gia, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, các địa phương cần có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO