Biên phòng - Hòa Hội là xã bán sơn địa được thành lập theo Quyết định số 177/CP ngày 23/4/1979 của Hội đồng Chính phủ, thuộc thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Qua gần 44 năm hình thành, từ một vùng kinh tế mới (KTM) năm xưa, ngày nay xã Hòa Hội đã khởi sắc có những sản phẩm hàng hóa giá trị, những dự án lớn của Nhà nước đầu tư, người dân có thu nhập ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống…

“Xã Hòa Hội có 2 thôn Nhất Sơn, Phong Hậu và buôn Hố Hầm với tổng diện tích tự nhiên trên 57km2, trong đó, diện tích đất nông nghiệphơn 1.500ha, dân số trên 1.000 hộ với gần 4.000 người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 2.783 người. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương với nhân dân quyết tâm xây dựng xã phát triển, hiện nay,xã Hòa Hội đã và đang từng bước “thay da, đổi thịt”- ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết.
Đi lên từ gian khó
Qua tìm hiểu, được biết, năm 1976, có nhiều gia đình ở các xã, phường của thị xã Tuy Hòa tình nguyện đến vùng đất Lỗ Rong (nay là thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội) để xây dựng KTM. Tháng 4/1979, xã Hòa Hội được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 khu KTM: Lỗ Rong, Phong Hậu và Hố Hầm, thuộcthị xãTuy Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay thuộc huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Đây là cột mốc đánh dấu sự ra đời, hình thành và phát triển của xã bán sơn địa của huyện Phú Hòa ngày nay.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (58 tuổi), nguyên quán ở phường 2, thành phốTuy Hòa, hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 5C, kiêm Phó ban Thanh tra của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Hội cho biết,ông theo gia đình đến KTM Lỗ Rong để lập nghiệp từ năm 1976. Đến nay, ông vẫn còn nhớ như in ngày gia đình ông cùng mấy chục gia đình ở thị xã Tuy Hòa lên vùng đất này để lập nghiệp.
Ngày đó, mỗi gia đình được UBND tỉnh Phú Khánh hỗ trợ 6 tháng gạo để ổn định ban đầu trong việc khai khẩn đất hoang. Mặc dù đất đai rộng nhưng thiếu phương tiện sản xuất, việc cấp gạo nhiều lúc còn chậm nên người dân phải trồng thêm khoai, bắp để ăn. Cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm…” tạm bợ, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là cơn lũ năm 1977 đã làm ảnh hưởng đến đời sống và lao động sản xuất của người dân nơi đây. Cùng với đó, không ít người lo sợ bệnh sốt rét nên lần lượt bỏ về quê.
Thấy vậy, gia đình ông Nghĩa cũng nao núng, nhưng rồi cùng với số hộ gia đình còn lại động viên nhau, cố gắng bám trụ và tích cực khai hoang đất để sản xuất làm ăn. Ông Nghĩa chia sẻ: “Những người từng bám trụ sống ở KTM ngày xưa đều có những kỷ niệm khó quên ở vùng đất này. Điều đáng nói, trong khó khăn, mọi người nơi đây đã đoàn kết cùng nhau vượt qua khốn khó để ổn định cuộc sống. Để rồi vùng đất mới hôm nay, các thế hệ lãnh đạo địa phương và người dân chúng tôi đoàn kết xây dựng đưa xã Hòa Hội ngày càng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực”.
Khởi sắc toàn diện
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội bộc bạch: Những năm qua, xã Hòa Hội đã tạo được những ưu thế riêng về chất lượng trái cây, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, xã Hòa Hội đã có sản phẩm “ớt chỉ thiên” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đã đăng ký sản phẩm dưa hấu để chứng nhận VietGap năm 2023.
“Hằng năm, địa phương duy trì sản xuất khoảng 1.509ha, trong đó, 94ha trồng lúa 2 vụ chất lượng cao; 730ha trồng mía; 401ha trồng sắn; 30ha trồng bắp; 160ha trồng dưa hấu và rau các loại; 22ha trồng đậu các loại; 10ha trồng mè và 62ha trồng khóm. Năm 2022, thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm so với cùng kỳ”- ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết thêm.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 95%. Hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao được đẩy mạnh. Xã Hòa Hội có 3/3 thôn, buôn đạt 100% danh hiệu “Gia đình văn hóa”, các thôn, buôn đều có đội văn nghệ hoạt động hiệu quả…
Ông Thân Văn Đương (quê Ba Vì, Hà Nội) hiện ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, từng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Phú Yên trải lòng: “Trải qua những năm tháng khó khăn gian khổ, được sự quan tâm của các cấp chính quyền,người dân chúng tôi đã tự tin làm giàu trên quê hương thứ hai của mình”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Hội Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: “Phong trào xây dựng vùng KTM ở Phú Yên nói chung và xã Hòa Hội nói riêng diễn ra sau khi đất nước được thống nhất là một hướng đi đúng. Sau những nỗ lực vượt qua khó khăn, xã Hòa Hội được công nhận xã nông thôn mới (tháng 5/2018), hiện đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới bậc cao và phấn đấu thu nhập bình quân 56 triệu đồng/người trong năm 2023”.
Xã Hòa Hội, vùng đất hoang sơ năm xưa giờ đang đổi thay từng ngày với những sắc màu tươi thắm. Ẩn sau nét đẹp vùng núi bán sơn địa, cùng những âm thanh rộn ràng cuộc sống là ý chí và nghị lực của hàng ngàn người dân nơi đây cùng với lãnh đạo địa phương để xây dựng xã Hòa Hội ngày một phát triển văn minh, giàu đẹp.
Hoàng Hà Thế