Biên phòng - Khu vực biên giới biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có hơn 50% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Những năm qua, BĐBP Sóc Trăng đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều chương trình, mô hình giúp người dân phát triển kinh tế như: Trồng màu, nuôi bò sinh sản, nuôi dê..., qua đó tiếp thêm động lực cho nhiều gia đình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Niềm vui đến với bà con Khmer
Đến với vùng biên giới biển thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng, ai cũng dễ dàng nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước thay da đổi thịt. Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, các con đường liên ấp, liên xã đều được rải nhựa và bê tông phẳng phiu. Bao quanh các khóm, ấp là những cánh đồng hành tím, củ cải trắng với màu xanh bát ngát.
Để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống đổi mới của người dân trên địa bàn, Đại úy Lê Văn Tiền, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vĩnh Châu, BĐBP Sóc Trăng dẫn tôi xuống thăm nhà anh Thạch Minh Kỳ (sinh năm 1989), người dân tộc Khmer, trú tại khóm Cà Lăng A Biển, phường 2, thị xã Vĩnh Châu, một hộ dân thoát nghèo tiêu biểu sau khi được giúp “cần câu”.
Trên đường đi, anh Tiền kể: Ngày gia đình anh Kỳ đến nhận bò giống, vợ chồng anh xúc động, mừng vui đến luống cuống. Sau gần 2 năm, gia đình anh Kỳ vẫn chưa hết khó khăn, nhưng nợ ngân hàng đã trả xong, bò, heo, gà, vịt đầy chuồng, khoảnh đất khô cằn cạnh nhà ngày trước đã thành vườn rau xanh tốt.
Hoàn cảnh của gia đình anh Kỳ là một trường hợp đặc biệt khó khăn của khóm Cà Lăng A Biển, vì thế sau khi trao bò giống, Chỉ huy đơn vị rất quan tâm đến hộ dân này. Hằng tháng đơn vị đều cử cán bộ xuống thăm hỏi, hướng dẫn, động viên vợ chồng anh sản xuất cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi bò. Và niềm vui cũng đã đến với gia đình anh Kỳ cũng như anh em trong đơn vị khi năm 2018, vợ chồng anh đã vươn lên thoát nghèo.
Vừa rót chén nước mời khách, anh Kỳ vừa tâm sự: “Hơn 10 năm trước, tôi lập gia đình, sau đó dựng một căn nhà nhỏ ra ở riêng. Ngày ngày, hai vợ chồng đi làm thuê kiếm sống. Mấy năm trước, vì cuộc sống của gia đình quá khó khăn, những đồng tiền đi làm thuê không đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày và lo cho hai đứa con ăn học, nên hai vợ chồng định đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trên thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương. Nhưng thật vui, gia đình đã nhận thông báo được hỗ trợ bò giống từ các anh Biên phòng. Có bò lợi trăm đường. Ngay như phân bò ủ hoai mục bón cho cây trồng đã đỡ hẳn khoản tiền mua phân bón. Cảm ơn dự án, cảm ơn các anh Biên phòng”.
Thượng tá Nguyễn Trìu Mến, Chính ủy BĐBP Sóc Trăng cho biết: “Năm 2016, BĐBP tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ và Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao tặng 20 con bò sinh sản cho các hộ dân tộc Khmer thuộc phường 2, thị xã Vĩnh Châu với tổng trị giá là 400 triệu đồng. Sau khi bò mẹ sinh được bò con, lúc bò con trưởng thành thì bò mẹ sẽ được trao cho hộ nghèo khác nuôi. Cứ thế, mô hình được nhân rộng, trên địa bàn phường 2, thị xã Vĩnh Châu, 20 con bò ban đầu nay đã sinh sản được 45 con bê”.
Nỗ lực thoát nghèo
Những năm qua, để giúp người dân nghèo có vốn sản xuất, các đồn Biên phòng trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã đứng ra bảo lãnh để Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Vĩnh Châu cho những gia đình kinh tế khó khăn vay vốn trồng trọt và chăn nuôi. Được hỗ trợ vốn vay, phát huy tiềm năng và lợi thế về đất đai, cộng với sự hướng dẫn của những cán bộ nông nghiệp địa phương cũng như sự quan tâm, động viên của những cán bộ Biên phòng phụ trách địa bàn, đã có rất nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá giả.
Gia đình anh Trần Phương (sinh năm 1975), dân tộc Khmer, trú tại ấp Prey Chop, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, nhận được sự giúp đỡ của lực lượng Biên phòng hơn 4 năm về trước, giờ đây cuộc sống đã khá giả hơn, có của ăn, của để. Tháng 5-2015, Đồn Biên phòng Lai Hòa đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia đình anh Phương vay hơn 25 triệu đồng để nuôi bò cái sinh sản và sản xuất nông nghiệp. Nhờ chăm chỉ làm ăn, cộng với con bò sinh sản thêm 2 con bê, mà cuối năm 2017, vợ chồng anh Phương trả hết được số nợ ngân hàng; đặc biệt, đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố, khang trang hơn 70 mét vuông ngay trên căn nhà cấp 4 xập xệ ngày trước.
Anh Phương tâm sự: “Trước đây, hai vợ chồng tôi phải đi làm thuê cả ngày, chắt chiu lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Trong lúc khó khăn, gia đình được nhận hỗ trợ từ chương trình vốn vay, chúng tôi mừng lắm. Vui hơn nữa là sau gần 3 năm mùa màng bội thu, đàn bò con sinh sản và phát triển rất tốt. Nhờ đó mà kinh tế gia đình đã được cải thiện, trả được vốn vay từ ngân hàng...”.
Hồ Phúc