Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 07:29 GMT+7

Khởi sắc một vùng biên

Biên phòng - Đây là lần thứ hai, Đoàn công tác của huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trở lại vùng đất biên cương dự sơ kết 1 năm thực hiện chương trình kết nghĩa giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện và Đồn BP Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). 

22-1.JPG
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Ba tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Pa Vệ Sử.

Trở lại vùng biên lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay nơi đây. Xã Pa Vệ Sử do đồn phụ trách có 15 bản, 18 khu, tổng dân số 553 hộ, 2.415 nhân khẩu. Các bản đều nằm trên các sườn núi, lưng chừng đèo, rác rải nơi rừng sâu núi thẳm, địa bàn xã có tới hơn 70% tỷ lệ hộ đói nghèo, với 2 dân tộc sinh sống là La Hủ và Mảng, trong đó, dân tộc La Hủ chiếm 98%. Đây là 2 trong 3 dân tộc ít người nhất được Nhà nước quan tâm trong chiến lược bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững.

Khác với chuyến đi tháng 4/2014, năm nay, con đường từ TP Lai Châu vào Mường Tè nhiều đoạn đã được trải nhựa phẳng lì rất thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Chả bù cho chuyến đi năm ngoái, hơn 150km nhiều đoạn rất khó đi do ổ trâu, ổ gà và trơn trượt khi gặp trời mưa.

Chính trị viên phó của Đồn Pa Vệ Sử Phùng Nhù Giá được cử ra TP Lai Châu từ hôm trước đón Đoàn. Gặp chúng tôi, chàng sĩ quan vừa tròn 30 tuổi, người dân tộc Hà Nhì vui vẻ nói: "Các anh, các chị năm nay vào đồn đỡ vất vả hơn năm ngoái nhiều lắm rồi. Phấn khởi nhất là khi tụi em về tỉnh dự họp không phải mất nhiều thời gian". Rồi Giá kể cho mọi người nghe những gian truân, vất vả của anh em mỗi lần đi họp tỉnh, từ đồn ra đến TP Lai Châu phải qua gần hai chục cái khe. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa có hôm đi từ 8 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm mới đến trung tâm thành phố, ngại nhất là qua khe mùa mưa.

Vùng biên cương này, mùa mưa các vụ sạt lở đất diễn ra thường xuyên, có lúc cả một đoàn người và hàng chục chiếc xe máy bị ùn tắc do lũ cuốn đất bùn nhão lấp đầy khe, đầy lối đi, lội không được, bùn đất ngang người, đành thuê bà con ra đẩy xe, kéo người. Giá chép miệng: "Chỉ cần vài cái khe bị đất trôi về thì việc ra tỉnh khó hơn lên trời. Bây giờ thì sướng rồi, chỉ đi xe máy chừng 5 - 6 tiếng đồng hồ là ra tới tỉnh".

Nhưng, câu nói cuối cùng của người lính Biên phòng trong câu chuyện khiến tôi thật sự cảm động: "Khổ thế nhưng chúng em còn sướng hơn nhiều anh em ở đảo đấy, các chị ạ". Không khí bỗng chùng xuống. Chúng tôi như cảm nhận rõ hơn cái chất thép của người lính, có đến nơi đây mới thấy tình yêu Tổ quốc thiêng liêng đến nhường nào!

Đoạn đường gần vào đến UBND xã Pa Vệ Sử đã xuất hiện nhiều ngôi nhà mới mọc lên, nghe đâu đó tiếng trẻ bi bô mỗi chiều tà. Về cách đồn Biên phòng khoảng 5km, chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã đang cùng bà con dựng nhà ven đường. Chị Lò Phù Mé cho biết, mọi năm vận động mãi bà con không xuống núi, nay đã có đường mới thông thương, lại có điện về đến trung tâm xã, bà con tình nguyện xuống núi, chúng tôi bắt gặp ánh mắt rất vui của anh Lò Mỳ Hừ, Chủ tịch HĐND xã. Anh khoe, gia đình anh vừa dời xuống gần trung tâm xã và sắp có nhà mới...

Khi những địa danh Nậm Bua, Nậm Nghẹ,  Phèng Khan, Huổi Hồn... lần lượt lùi lại đằng sau thì Đồn BP Pa Vệ Sử đã hiện trước mặt.

Hơn 6 giờ tối, Đoàn công tác có mặt tại đồn Biên phòng, sau màn chào hỏi, chưa kịp cất đồ, chúng tôi vội vã xuống thăm thầy trò trường Tiểu học Pa Vệ Sử 1 và tặng một chiếc ti vi làm quà cho nhà trường. Tại đây, có 66 học sinh đang theo học và ăn ở tại trường, trung bình mỗi lớp ghép có trên 10 học sinh. Những ánh mắt ngây thơ, háo hức như dán chặt vào màn hình ti vi khi những hình ảnh lần lượt hiện ra. Xã vùng giáp biên này mới có ánh sáng điện được vài ngày trước khi Đoàn chúng tôi đến thăm và dự hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình kết nghĩa với đồn Biên phòng.

Hỏi chuyện một bé gái đang theo học tại đây, tên em là  Lỳ Thò Mé, em bảo đã học lớp 5 rồi, được 11 "cái" tuổi rồi. Mé thích ở lại trường vì trường có điện, lại được xem cái kia nữa, Mé vừa nói vừa chỉ tay vào màn hình ti vi. Mé kể nhà có 7 anh chị em, có mình Mé là được đi học.

Khi hỏi nhà cách trường bao xa, em lắc đầu bảo "không biết", chỉ biết nếu đi bộ từ sau giờ học trưa thứ 6 thì đến tối mịt mới về đến nhà. Khi hỏi, ước mơ của em là gì, Mé lắc đầu. Một chiến sỹ trẻ nhanh nhảu phiên dịch tiếng La Hủ thì được biết, em ước mơ đi "cõng" cái chữ, "cõng" ánh điện về bản của em.

Hơn 7 giờ tối, Đoàn đến thăm nhà Trưởng bản Giàng A Pà, tặng quà cho bản Thò Ma, nơi đồn Biên phòng đứng chân. Trưởng bản chỉ tay về phía chiếc tủ bảo ôn, mặc dù đã cũ rích đặt ngay cửa ra vào, hồ hởi khoe: "Mình mới sắm, nhưng chưa có nhiều thứ để đựng đâu...". Đã có điện, văn minh đang dần đến với bản Thò Ma, Cheo Thèn, Thín Chải và bao nhiêu bản khác nữa ở nơi đây.  Một vùng biên đang thực sự chuyển mình thay da đổi thịt. Ánh điện hứa hẹn nhiều ánh sáng văn minh khác sẽ đến với bà con La Hủ...

Khi chúng tôi ngồi vào bàn ăn thì đã gần 9 giờ tối, hầu như những nỗi mệt nhọc đều tan biến, bởi nghĩ đến cuộc sống "hai không" của bà con đã đỡ được "một không". Năm ngoái không điện, không sóng điện thoại, gặp anh chàng thanh niên Bí thư Đoàn người La Hủ, nếu không gọi cả họ, chỉ nhìn người và gọi tên, nhiều người sẽ nhầm tưởng chàng trai ở miền xuôi lên cắm bản.

Lừ A Quý bảo: "Ở đây chỉ còn thiếu cái "sóng alô" nữa thôi. Cháu đang mong nó đến để sắm cái gọi bạn". Chợt nhớ lần đầu đặt chân đến mảnh đất biên cương này, các chiến sỹ kể, đôi khi con người sống ở đây cảm giác như mình bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài. Muốn điện thoại cho người thân hoặc liên lạc với cấp trên khi có việc phải đi hàng trăm mét, thậm chí nhiều cây số để tìm sóng. Hội LHPN huyện ký chương trình kết nghĩa với đồn Biên phòng đã một năm, đôi lúc cần liên lạc trao đổi với nhau nhưng đành chịu chết, thảng hoặc, các anh đi công tác ra huyện, ra tỉnh thì mới liên lạc được với nhau.

Trong bữa cơm tối ấm cúng, qua câu chuyện kể, chị Chủ tịch Hội LHPN xã  Lò Gia Mý khoe đã vận động được hơn 100 gia đình ở trên núi xuống bản, dựng nhà, làm ruộng. Chị còn kể nhà chị xuống núi gần 10 năm nay, được bộ đội dạy cách trồng lúa, biết canh tác, biết vận dụng khoa học kỹ thuật nên năm nay chị thu gần 3 tấn lúa. Khi được hỏi có nhiều gia đình thu hoạch lúa như nhà chị không, Mý gật đầu và cười rất tươi. Hội LHPN xã phối hợp với đồn Biên phòng phát động phong trào chị em cùng gia đình tham gia quản lý đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, tham gia "Tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm bản".

Kết quả đã củng cố, xây dựng được 15 tổ an ninh bản; vận động nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký tự quản 5 cột mốc, 18km đường biên giới. Thực hiện phong trào "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới", Đồn BP Pa Vệ Sử đã đóng góp vật liệu, ngày công trị giá hơn 100 triệu đồng làm đường giao thông liên bản; sửa chữa 3 nhà văn hóa bản; sửa chữa, làm mới 25 ngôi nhà dân, 7 bể nước sinh hoạt; làm 30 chuồng gia súc hợp vệ sinh. Tuyên truyền cho nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân được hơn 800 ngày công và hiến hơn 3.000m2 đất xây dựng nông thôn mới.

Pa Vệ Sử đang đổi thay từng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực loại bỏ phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn bản, mở ra một trang mới về sự phát triển cho một xã vùng biên. Chúng tôi chia tay mảnh đất vùng biên trong nỗi lưu luyến bịn rịn, không nói thành lời nhưng cảm xúc trong lòng bỗng dâng trào. Hình ảnh các chiến sỹ và bà con nơi biên cương đã gieo vào lòng chúng tôi một niềm tin yêu mãnh liệt về ý chí và tinh thần quyết tâm bảo vệ vững chắc mảnh đất biên cương, phên giậu của Tổ quốc.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực phấn đấu của người dân, tin chắc rằng, một ngày không xa, Pa Vệ Sử sẽ ngày càng phát triển, hứa hẹn nhiều đổi thay. Trên chặng đường trở về, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai lời hò hẹn của bà con thôn bản và các chiến sỹ Biên phòng: "Sẽ trực tiếp điện thoại cho các chị vào một ngày gần nhất khi cái "sóng alô" đến với chúng em và bà con nơi đây".
Lương Thị Hồng Thanh

Bình luận

ZALO