Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 05/12/2023 12:11 GMT+7

Khơi nguồn văn học đề tài “Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng”

Biên phòng - Dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ lực lượng vũ trang bao năm nay vẫn như dòng sông mạnh mẽ tuôn chảy trong mạch nguồn văn học nước nhà với rất nhiều tác phẩm thuộc các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, thơ, trường ca… xuất sắc. Dòng văn học này luôn nhận được sự hưởng ứng, tham gia của nhiều thế hệ nhà văn trong và ngoài quân đội.

Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính ủy Quân khu 9 (thứ 5 từ phải sang) trao đổi với các nhà văn tham gia trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tại Cần Thơ. Ảnh: Xuân Hùng

Là nhà văn trẻ, lần đầu tiên tham gia trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” do Nhà xuất bản QĐND tổ chức, nhà văn Trương Chí Hùng rất xúc động. Anh cho biết, ngoài mảng đề tài gắn bó từ lâu, đó là viết về vùng sông nước Cửu Long, đề tài về người lính cũng là mảng đề tài anh quan tâm.

“Điều gặt hái được ban đầu của tôi là được gặp gỡ, tiếp xúc với những nhà văn lão thành, các nhà văn đã ghi dấu tên tuổi đậm nét trên văn đàn với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Bản thân tôi không xuất thân từ các đơn vị quân đội, tuy nhiên, đến trại viết lần này, tôi cũng có những dự định riêng cho sáng tác của mình. Để viết về người lính và chiến tranh cách mạng là đề tài rất khó, nhưng cũng rất hấp dẫn, luôn được độc giả trong cả nước đón nhận. Tuy nhiên, với những người trẻ, chưa bao giờ dấn thân trong những năm tháng chiến tranh, những người mà chỉ tiếp cận cuộc kháng chiến qua những câu chuyện kể thì đây là một thử thách lớn. Nhưng tôi cho rằng, những người không xuất thân trong quân ngũ viết về người lính sẽ có những cách viết mới lạ và đôi khi chúng ta cũng cần tham chiếu những góc nhìn mới lạ như thế, biết đâu nó sẽ tạo ra những bước ngoặt mới trên văn đàn” - Nhà văn Trương Chí Hùng chia sẻ.

Số lượng các tác giả sáng tác đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng ngày càng phong phú hơn (ngoại trừ năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 phải tổ chức trại theo hình thức trực tuyến) thì hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và Nhà xuất bản QĐND đều tổ chức các trại sáng tác với đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ hôm nay”.

Trại sáng tác tại Cần Thơ năm nay quy tụ nhiều thế hệ nhà văn trong và ngoài quân đội. Những người cầm bút từng trải qua các cuộc kháng chiến của đất nước như Hà Đình Cẩn, Trần Văn Tuấn, Cao Duy Sơn, Hoàng Dự, Hoàng Quý, An Bình Minh, Châu La Việt, Nguyễn Thanh Tú... Bên cạnh đó là một lực lượng trẻ hơn tham gia trại viết cũng rất đáng khích lệ, có người vẫn mặc áo lính, là sĩ quan quân đội như Nguyễn Thanh Tú - cây bút tên tuổi của Văn nghệ Quân đội, Xuân Hùng - cây bút thuộc Nhà xuất bản QĐND; hay các cây bút gắn bó với miền sông nước như: Lê Minh Nhựt, Đào Ngọc Vinh, Trương Chí Hùng, Hoàng Quý… và hai cây bút nữ: Quỳnh Vân, Vương Thị Thu Thủy…

Sau “Mây vẫn bay về trời” được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, đến với trại viết lần này, nhà văn Hà Đình Cẩn vừa hoàn thành bản thảo tiểu thuyết “Muối của đảo” - viết về những hy sinh gian khổ nhưng vô cùng thầm lặng của những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, vẫn với đề tài chiến tranh và người lính, ông tiếp tục hoàn thành bản thảo tiểu thuyết mang tên “Vùng da báo”.

Một tác phẩm mới về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Ảnh: Xuân Hùng

Nhà văn Hà Đình Cẩn tâm sự: “Tôi là nhà văn quân đội và đã ở chiến trường nhiều năm, cho nên đến các trại viết của Nhà xuất bản QĐND thì tôi thường viết về chiến tranh và lần này cũng vậy. Nhưng cuộc chiến tranh tôi viết lần này có không gian gian khổ hơn những lần trước tôi viết, đó là Quân khu 6. Đây là khu vực người ta gọi là “vùng da báo”, nó xen lẫn giữa ta và địch, cuộc sống rất khó khăn, nhưng khi cuộc tổng tiến công đến thì những người lính đã kiên cường, mạnh mẽ đứng lên để giải phóng quê hương”.

Nhà văn Cao Duy Sơn vẫn tiếp tục với đề tài miền núi đã đi vào lòng người và đã làm nên “văn hiệu” của ông. Đến với trại viết lần này, ông đã hoàn thành tiểu thuyết mang tên “Oán ca từ đáy thẳm”. Câu chuyện xoay quanh việc giữ gìn và bảo vệ những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu của người miền núi, mà ở đó, hình ảnh những người lính trở về sau chiến tranh chính là trung tâm…

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cũng đang dồn sức hoàn thành tập bút ký viết về chân dung các danh nhân văn hóa và tướng lĩnh - những người anh hùng dân tộc mang tên “Núi rộng sông dài” và cuốn tiểu thuyết viết về những mất mát, hy sinh của quân và dân miền sông nước Cửu Long trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ mang tên “Miền cỏ tranh”.

Nhà văn nữ Vương Thị Thu Thủy tiếp tục hoàn thành tiểu thuyết mang tên “Một nửa yêu thương”. Nhà văn Quỳnh Vân, với ngồn ngộn tư liệu về những người chiến sĩ canh trời Tổ quốc, đến với trại viết lần này, chị tiếp tục đầu tư thời gian để hoàn thành cuốn tiểu thuyết viết về những người anh hùng phi công trong cuộc kháng chiến oanh liệt 72 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội - tái hiện những bi tráng hào hùng của dân tộc năm xưa…

Ngoài các tập truyện ngắn, bút ký mang hơi thở đặc sắc văn hóa miệt vườn, những nhà văn xứ sở miệt vườn Nam Bộ như: Lê Minh Nhựt, Đào Ngọc Vinh, Trương Chí Hùng… còn tập trung xây dựng và hoàn thành những tiểu thuyết mang đậm tình người Nam Bộ, về những người chiến sĩ Quân khu 9 trong lòng nhân dân trên địa bàn sông nước Cửu Long giang. Là sự hội tụ những nét sinh động của cuộc sống, với hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 tham gia giúp dân trong cuộc sống chống lại thiên tai bão lũ, hay hình ảnh những người lính trẻ quên ăn quên ngủ, ngày đêm đến từng nhà để thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu quanh ta…

Một trại sáng tác rất nhiều ý nghĩa được thực hiện ở một miền đất anh hùng trong kháng chiến và mạnh mẽ vươn lên trong hòa bình. Những cây bút cựu chiến binh “hồi xuân” sáng tạo và những cây bút trẻ không ngừng trưởng thành. Đó là những tiền đề để các tác phẩm văn học về người chiến sĩ và chiến tranh cách mạng sẽ ngày càng dày dạn hơn trong tủ sách của mỗi đơn vị và mỗi gia đình…

Nguyên Nhi - Xuân Hùng

Bình luận

ZALO