Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 08:51 GMT+7

Khói lửa nhuốm màu biên giới Hy Lạp

Biên phòng - Hy Lạp - quốc gia tuyến đầu của châu Âu tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ đang “gồng mình” ngăn hàng trăm nghìn người tị nạn Syria đổ xô tới biên giới kể từ đầu tháng 3 tới nay. Khu vực biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua nhuốm đậm màu khói lửa của sự hỗn loạn và bạo lực.

6g2h_11a
Lực lượng an ninh Hy Lạp sử dụng bom khói, đạn hơi cay... để trấn áp các nhóm người di cư cố gắng “chọc thủng” hàng rào biên giới để tràn vào nước này trong ngày 7-3. Ảnh: AP

Diễn biến tại biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng “nóng” lên bởi khói lửa từ những vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh Hy Lạp và dòng người tị nạn cố gắng vượt biên. Truyền thông thế giới đồng loạt cho biết, các nhóm người di cư đã tổ chức nhiều vụ tấn công nhằm “chọc thủng” biên giới Hy Lạp khiến lực lượng cảnh sát nước này buộc phải trấn áp bằng súng bắn đạn hơi cay, bom khói... khiến nhiều người bị thương.

Kể từ hôm 28-2, sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố mở cửa biên giới cho người tị nạn ở Syria sang châu Âu, đến nay đã có hàng trăm nghìn người đổ xô tới biên giới Hy Lạp. Theo thống kê của chính quyền Hy Lạp, trong 8 ngày đầu tháng 3, lực lượng chức năng Hy Lạp đã phá vỡ 39.500 âm mưu vượt biên trái phép.

Trước diễn biến xung đột leo thang giữa lực lượng chức năng của Hy Lạp với dòng người tị nạn, hôm 5-3, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã chỉ trích chính quyền Hy Lạp ngược đãi người di cư, đồng thời, nước này đã điều động 1.000 cảnh sát đặc nhiệm tới đây nhằm ngăn dòng người tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ khi không thể sang được Hy Lạp. Động thái này cho thấy, cuộc khủng hoảng tại biên giới Hy Lạp chưa có tín hiệu tích cực. 

Theo quan điểm của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã cố gắng hỗ trợ người dân Syria lánh nạn chiến tranh, nhưng nay đã không còn đủ khả năng nên phải mở cửa biên giới để người di cư tìm sang châu Âu. Trách nhiệm nhân đạo đối với người di cư là trách nhiệm của cả thế giới và châu Âu cũng phải chia sẻ gánh nặng này. 

Phản bác luận điểm trên, chính quyền Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng biện pháp mở cửa biên giới cho người di cư tràn vào châu Âu là “đòn” gây sức ép buộc Liên minh châu Âu (EU) phải ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tại Syria. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định, nước này không phải tác nhân làm leo thang căng thẳng và Hy Lạp có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như tình hình an ninh trật tự tại biên giới của họ. Thủ tướng Hy Lạp cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vi phạm thỏa thuận năm 2016 với EU về ngăn chặn dòng người sang châu Âu. 

Lý giải về diễn biến bạo lực, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, với lượng người di cư tăng đột biến như hiện nay, Hy Lạp buộc phải ngăn chặn bằng biện pháp mạnh tay. Hy Lạp là quốc gia tuyến đầu của châu Âu tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, nên việc giữ chân người tị nạn tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có yếu tố then chốt để châu Âu ứng phó với nguy cơ khủng hoảng di cư. Cũng theo giới chuyên gia, căng thẳng di cư tại biên giới Hy Lạp khó có thể lắng xuống và sẽ cần một "cú hích" đột biến mới có thể giải quyết được vấn đề. 

Trong trường hợp Hy Lạp không "trụ" được và buộc phải chấp nhận lời kêu gọi mở cửa biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ thì 2 nước thuộc EU là Italia và Bulgaria "sát vách" với Hy Lạp sẽ gặp phải sức ép tương tự khi dòng người di cư tiếp tục tràn tới 2 quốc gia này. Trong khi đó, Italia và Bulgaria vốn có thái độ gay gắt không đồng tình với việc tiếp nhận thêm người nhập cư. Chính vì vậy, Hy Lạp dường như mắc kẹt giữa một bên là sức ép rất lớn tại biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ và một bên là các đồng minh châu Âu.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO