Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 06:28 GMT+7

Khơi gợi niềm tin phát triển, tăng trưởng kinh tế ASEAN

Biên phòng - Trong bối cảnh thế giới chao đảo với hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại cho thấy những tín hiệu phát triển hết sức tích cực. Điều này được các cơ quan phân tích quốc tế và giới chuyên gia khẳng định.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) diễn ra ở Campuchia. Ảnh: ASEAN

Sự thành công được khẳng định vững chắc

Với những bước phát triển đột phá trong nhiều năm trở lại đây, ASEAN được cộng đồng quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020 đến nay, ASEAN tiếp tục khẳng định sự thành công của mình khi vẫn đạt được những thành quả kinh tế đáng tự hào.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10/2022, trong năm 2022, xét về tỷ lệ tăng trưởng, dẫn đầu khối là Việt Nam, Philippines và Malaysia dự trù tăng GDP hơn 6%, đây cũng là ba nền kinh tế năng động nhất trong ASEAN. Tiếp đó, Campuchia và Indonesia có tốc độ tăng trưởng GDP là 5%; Thái Lan, Lào và Myanmar dự kiến ghi nhận mức tăng GDP 3%. Từ những kết quả ghi nhận trên toàn cầu, WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, tại châu Á, Trung Quốc không còn là động lực tăng trưởng của châu lục mà vai trò này hiện nay đã dịch chuyển sang ASEAN và Ấn Độ.

Nhận định từ WB và IMF cùng cho biết, Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng; Mỹ rối loạn kinh tế vì giá xăng dầu tăng cao; châu Âu ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các ngành sản xuất của Liên minh châu Âu (EU) bị đe dọa.

Theo giới chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh thế giới đối diện với những thách thức lịch sử, việc ASEAN vẫn giữ được tăng trưởng có thể khẳng định là một thành quả rất tự hào. Một trong những điểm nhấn, trong 2 năm 2020, 2021 phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều lĩnh vực sản xuất, nhưng hầu như không để lại hệ lụy, hậu quả đáng kể nào đối với các nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo giới chuyên gia, năng lực các ngành sản xuất của ASEAN hiện nay đều được phục hồi một cách nhanh chóng, hiệu quả. Điều này có được một phần quan trọng là nhờ các chiến dịch tiêm chủng ở các nước ASEAN đã đạt được tỷ lệ dân số tiêm phòng cao, đặc biệt là các biện pháp kiềm chế sự lây nhiễm đã được thực thi hiệu quả, thiết thực.

Báo cáo của WB đưa ra dự báo rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt 7,2%. Con số này dựa trên cơ sở là nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ và các hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc. WB cũng dự báo rằng, GDP của Myanmar cũng được dự báo tăng trưởng 3% trong năm nay. Đối với Thái Lan, doanh thu của ngành du lịch, vốn là điểm tựa của nền kinh tế của nước này cũng đã về mức tương đương 40% của thời tiền Covid-19.

Giới chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, tại phương Tây, lạm phát ở ngưỡng khoảng 10%. Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, lạm phát vẫn ở mức tương đối khả quan, nhất là khi các nước đang cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ để kiểm soát chặt chẽ lạm phát.

Cùng với đó, trong khi các đơn vị tiền tệ như đồng Euro của EU, đồng Won của Hàn Quốc, đồng Yen của Nhật… đều sụt giá mạnh so với đồng USD, trong khi tiền tệ của các nước ASEAN thì không bị sụt giá mạnh.

Tiếp bước đường dài với vai trò toàn cầu

Trong một bài đăng mới đây, Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng, ASEAN đang đảm nhiệm chức Chủ tịch của một số tổ chức quan trọng cấp khu vực và toàn cầu trong năm 2022. Đây là một năm hết sức đặc biệt với ASEAN.

Theo đó, Indonesia đang đảm nhiệm chức Chủ tịch của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Thái Lan là Chủ tịch của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Đại diện lãnh đạo ASEAN và EU công bố Sách Xanh 2022 kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác. Ảnh: Ban Thư ký ASEAN

Theo bình luận của Giám đốc Chương trình của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai Yaroslav Lissovolik, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc củng cố sự ổn định của khu vực Đông Nam Á, củng cố mạng lưới liên minh toàn cầu rộng lớn do khối nói chung và các thành viên nói riêng tạo ra. Những tiến bộ này sẽ trở thành cơ sở để ASEAN khẳng định vai trò toàn cầu to lớn của mình trong thời gian tới.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế chỉ ra rằng, một trong những khía cạnh quan trọng giúp vai trò toàn cầu của ASEAN vững mạnh trên trường quốc tế là tính trung lập trước các cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, thậm chí còn đóng vai trò trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán giảm căng thẳng.

Bên cạnh phát triển đoàn kết nội khối, ASEAN cũng là “lá cờ đầu” trong việc thiết lập nền tảng gồm các quốc gia, tổ chức khu vực có thể điều phối các nỗ lực hướng tới hòa bình toàn cầu. Với việc không ngừng nỗ lực duy trì vị thế cân bằng và trung lập trên trường quốc tế, giới chuyên gia cho rằng, ASEAN có thể tìm kiếm các lựa chọn hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ chế kết nối phía Nam bán cầu và các nền kinh tế phát triển.

ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể theo định hướng này khi thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại phương Tây, ASEAN cũng có cơ hội bổ sung vào mối quan hệ tích cực ASEAN với EU với sự tham gia tích cực hơn của các nước thành viên ASEAN đối với các nền tảng do phía EU thiết lập. ASEAN có thể trở thành một trong những trụ cột của nền tảng toàn cầu BRICS+, cũng như đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập nền tảng cho các nền kinh tế đang phát triển Á - Âu.

Giới chuyên gia cùng khẳng định, trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, vai trò toàn cầu ASEAN là điều không thể thiếu, thậm chí là động lực để toàn cầu phục hồi hiệu quả và nhanh chóng hơn. Điều này càng có ý nghĩa khi bối cảnh thực tế thế giới chưa có một cơ chế hợp tác toàn cầu theo chiều ngang giữa các khối hội nhập khu vực. Với tính trung lập và khả năng hòa giải của mình, ASEAN có thể dẫn đầu quá trình thiết lập một nền tảng toàn cầu cho các thỏa thuận hội nhập khu vực.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO