Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Khởi động lại các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Nhiều ngày liền, tại thành phố Đà Nẵng đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây. Đáng lo ngại, dịch đã xuất hiện tại một số địa phương khác và đều có liên quan đến thành phố Đà Nẵng. Nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trên cả nước là rất lớn. Trước tình hình này, nhiều địa phương trên cả nước đã khởi động lại hệ thống phòng, chống dịch.

Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang bắt giữ người xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn ngày 27-7. Ảnh: Văn Cháng

Số ca lây nhiễm Covid-19 tăng nhanh

Từ ngày 25 đến chiều 31-7, cả nước đã ghi nhận thêm 108 ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước ta lên con số 546, trong đó có 1 ca đã tử vong (bệnh nhân số 428). Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đợt này thuộc các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk. Thành phố Đà Nẵng đang là tâm dịch của cả nước với 79 ca nhiễm mới, trong đó, có những ca rất nặng. 3 bệnh viện tại đây đã bị phong tỏa, cách ly. Bộ Y tế cho biết, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0, do đó, tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các tỉnh, thành phố xung quanh thành phố Đà Nẵng.

Nhằm hỗ trợ thành phố Đà Nẵng dập dịch, Bộ Y tế đã cử 3 tổ công tác đặc biệt gồm các chuyên gia hàng đầu điều trị và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tới địa phương này. Bên cạnh đó, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bạch Mai cũng đã tới thành phố Đà Nẵng tham gia hội chẩn và chuẩn bị các phương án điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.

Triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan. Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường thêm phương tiện, cán bộ có liên quan không chỉ cho thành phố Đà Nẵng mà cả các địa phương khác khi có yêu cầu.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 29-7, Thủ tướng nêu rõ, tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện.

Còn đối với thành phố Đà Nẵng, thực hiện triệt để Chỉ thị 16 trong phạm vi toàn thành phố. Thủ tướng lưu ý, không được ngăn sông cấm chợ. Từng địa phương đều có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly mà mình đang quản lý.

Tăng cường các biện pháp chống dịch

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BĐBP đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở biên giới. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo tăng cường tối đa lực lượng cho các đơn vị tuyến đầu và khẩn trương triển khai chủ trương kiên cố hóa 250 chốt ở địa bàn trọng điểm để cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ chống dịch và các nhiệm vụ khác. Về công tác hậu cần, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tăng cường đảm bảo cơ sở vật chất cho các chốt và khu vực cách ly, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị BĐBP tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, không tiếp tay, dẫn đường cho đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.

Qua rà soát, thành phố Hà Nội sơ bộ phát hiện 21.063 người đi về từ Đà Nẵng. Sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, UBND thành phố Hà Nội đã khởi động tất cả các ban chỉ đạo phòng dịch từ thôn, tổ dân phố, đảm bảo trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý thông tin về dịch bệnh. Thành phố đã khẩn trương xác định các trường hợp F1, F2 đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Trước mắt, thành phố Hà Nội tạm dừng các hoạt động tôn giáo, văn hóa, thể thao, hội chợ... Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng.

Kích hoạt lại hệ thống phòng chống dịch sau khi ghi nhận một ca mắc Covid-19 có liên quan đến thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung tìm kiếm, truy vết và cách ly các trường hợp F1 và khuyến cáo người dân từ ngày 30-7 không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang, không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng.

Tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương vận hành các tổ phòng, chống dịch tại các thôn, buôn, tổ dân phố để thực hiện ngay việc giám sát các trường hợp đã đi qua vùng dịch từ ngày 17-7 và hướng dẫn thực hiện nghiêm việc kê khai y tế, theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà theo đúng quy định, báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng.

Hiện, BĐBP đang duy trì 1.597 tổ, chốt trên các tuyến biên giới với 9.343 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng chức năng tham gia. Từ ngày 1-6 đến 25-7, qua tuần tra, kiểm soát, BĐBP đã phát hiện, bắt giữ 4.360 người xuất, nhập cảnh trái phép, sau đó đưa đi cách ly theo quy định.

Sau khi xác nhận 2 ca bệnh trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp cấp bách để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới với phương châm: Phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để. Địa phương này thực hiện kiểm dịch y tế tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga xe lửa bao gồm khai báo y tế, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe hành khách, nếu phát hiện có yếu tố dịch tễ liên quan ca bệnh của thành phố Đà Nẵng sẽ được cách ly tập trung và xét nghiệm kiểm tra.

Đồng thời, tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm đối với tất cả trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi nặng trong cơ sở y tế. Đối với các trường hợp nghi mắc Covid-19 trong cộng đồng, tổ chức giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kích hoạt 23 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng các chốt kiểm soát dịch bệnh, các khu cách ly, rà soát hệ thống khai báo y tế, khai báo người địa phương khác đến Thừa Thiên Huế. Thực hiện việc đo thân nhiệt hành khách đến, khách đi, yêu cầu đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, cảng biển. Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy trình về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. BĐBP Quảng Nam tiếp tục chốt chặn ở các chốt dọc tuyến biên giới, kiểm soát đường mòn, lối mở, quản lý chặt biên giới.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO