Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Khởi động Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020

Biên phòng - Trong 2 ngày 16 và 17-4, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020. GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Ban Quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đồng chủ trì hội nghị.

5ad54a6a471e3cc69c000197
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: H.Hải

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét (gọi tắt là Quỹ Toàn cầu) là một trong 2 nhà tài trợ lớn cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Cùng với các dự án viện trợ không hoàn lại khác, Quỹ Toàn cầu đã giúp Việt Nam triển khai toàn diện chương trình phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đóng góp tới 50% các dịch vụ kỹ thuật như các chương trình can thiệp giảm tác hại, điều trị ARV và tư vấn xét nghiệm HIV...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế đã cùng các địa phương triển khai có hiệu quả Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, được nhà tài trợ và các đoàn Thanh tra của Quỹ Toàn cầu đánh giá cao. Đồng thời cho rằng, trong khi các tổ chức quốc tế đã đang rút nhanh viện trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thì Quỹ Toàn cầu tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam trước mắt đến năm 2020. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn tới.

Giai đoạn 2018-2020, Quỹ Toàn cầu tài trợ hơn 53 triệu USD cho công tác phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nhằm mục tiêu khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội. Dự án triển khai tại 32 tỉnh, thành phố có gánh nặng về HIV/AIDS cao, trong đó có 30 tỉnh, thành phố đã triển khai dự án giai đoạn 2012-2017 và 2 tỉnh mới tham gia dự án là Sóc Trăng và Cà Mau.

Hoạt động chính của dự án giai đoạn 2018-2020 bao gồm: Các can thiệp dự phòng (cung cấp bao cao su cho gái bán dâm, người nhiễm HIV và người nghiện ma túy; cung cấp bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy; truyền thông thay đổi hành vi và chuyển gửi đối tượng đích đến dịch vụ xét nghiệm HIV và các dịch vụ liên quan khác); tư vấn xét nghiệm HIV (xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế; xét nghiệm không chuyên; tự xét nghiệm); chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng và trong một số trại giam; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và nghiên cứu cải tiến giám sát tải lượng vi rút cho người nhiễm HIV điều trị ARV tại vùng sâu, vùng xa); giám sát đánh giá; truyền thông; cung ứng thuốc, sinh phẩm và vật phẩm y tế.

Dự kiến, hằng năm có khoảng 25.000 người được tiếp cận với các can thiệp dự phòng; khoảng 300.000 lượt người được xét nghiệm HIV và 51.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV.

N.B

Bình luận

ZALO