Biên phòng - Ngày 7-7, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGD), Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, di cư là một hiện tượng tất yếu, gắn liền với quá trình phát triển. Dân số thế giới hiện có khoảng hơn 7 tỷ người thì có khoảng 272 triệu người di cư (NDC).
Số người Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số. Di cư nội địa trong 5 năm qua là hơn 7% dân số. Dòng di cư nội địa chủ đạo của Việt Nam là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân NDC cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Hoàng, chúng ta đã và đang chứng kiến một thực tiễn hiện nay là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi quốc gia trên thế giới và đang diễn biến phức tạp.
Việc di chuyển, tiếp xúc của NDC quốc tế đã làm gia tăng tình trạng lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia và trên toàn cầu. NDC là nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương, đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe và những việc này cũng tác động tới sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học – Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em, dân số Việt Nam tiềm ẩn khả năng di cư rất lớn bởi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động chiếm tới 68% dân số, thu nhập, việc làm chênh lệch giữa thành thị - nông thôn cũng như giữa các thành phố lớn. Vì thế, di cư và theo đó là sức khỏe NDC đã và sẽ là vấn đề lớn, lâu dài của Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích một số rào cản tác động đến sức khỏe của NDC và việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đó là việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ tại tuyến cơ sở, hệ thống giám sát sức khỏe NDC chưa đầy đủ, còn nhiều hạn chế trong quan hệ đối tác và mạng lưới kết nối các bên liên quan, chưa thực sự lưu tâm về giới và thân thiện với NDC từ phía người cung cấp dịch vụ y tế, nhân viên hành chính và cộng đồng.
Các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị về chính sách sức khỏe NDC như: Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NDC; Đăng ký, theo dõi sức khỏe NDC; đa dạng hóa mạng lưới chăm sóc sức khỏe NDC; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành; hình thành các nhóm làm việc vì sức khỏe NDC tại địa phương; truyền thông về sức khỏe NDC và vận động chính sách, nguồn lực; đẩy mạnh nghiên cứu về sức khỏe NDC; đặc biệt là dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và quản lý sức khỏe NDC hiện nay, cung cấp đầy đủ bằng chứng cho can thiệp, chính sách.
Ông Hoàng khẳng định, di cư không phải là bài toán của riêng một ngành nào cần giải mà là sự kết hợp chung tay của tất cả các cấp, ngành, trung ương và địa phương.
Thu Hằng