Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Khơi dậy văn hóa đọc ở miền núi, hải đảo

Biên phòng - Trải qua 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam 21-4, Ngày Sách đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên được xem là nỗ lực khôi phục văn hóa đọc, nâng cao dân trí và chấn hưng thú thanh nhã yêu thích văn chương vốn có của người Việt. Tuy vậy, để đạt được tầm ý nghĩa lớn của Ngày Sách vẫn còn xa. Với nông thôn, miền núi và hảo đảo, đọc sách vẫn là điều xa xỉ.

nf9v_17a
Em Lang Thị Trúc, xã Ia Lốp, Ea Súp, Đắk Lắk dạy mẹ của mình, người tái mù chữ, những chữ cái tiếng Việt. Ảnh: Thụy Văn

Không phải đến thời gian gần đây, khi Ngày Sách Việt Nam được nhắc tới nhiều, người ta mới mang văn hóa đọc ra để bàn thảo, tìm cách kích thích và lan tỏa điều đó. 2 thập kỷ qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về phát triển toàn diện và sáng tạo đường lối xây dựng văn hóa Việt Nam, các cấp, các ngành đều chú trọng đến lưu giữ vốn văn hóa làm động lực cho sự phát triển. Với vùng nông thôn, hải đảo và miền núi, đa số người dân ít được tiếp cận với sách.

Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phụ nữ người dân tộc thiểu số ở miền núi thường chi tiêu cho sức khỏe của mình khoảng dưới 50 ngàn đồng/tháng, chủ yếu đó là chi phí cho việc đẻ, ở cơ sở y tế địa phương. Chi phí thiết yếu ở mức thấp như vậy nên việc chi tiêu để tiếp cận với đời sống tinh thần hoàn toàn bằng không – tổ chức này bình luận.

Kích thích văn hóa đọc ở tầng lớp trí thức không khó, phát triển và lan tỏa ở cộng đồng những người dân tỉ lệ dân trí thấp, mù chữ nhiều mới là việc không dễ dàng. Lực lượng BĐBP luôn nỗ lực nâng cao hiểu biết, bồi đắp kiến thức đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của mình và nhân dân biên giới. Hiện nay, hầu hết các đồn Biên phòng đều có các tủ sách pháp luật trong khuôn khổ dự án tuyên truyền pháp luật cho người dân biên giới, hải đảo. Các tủ sách theo hình thức này ban đầu được quản lý bởi các Câu lạc bộ tư pháp cấp xã. Tuy nhiên, mức tiếp cận của người dân rất ít mặc dù luôn tồn tại nhu cầu thiết yếu của họ về hiểu biết pháp luật.

Cho đến nay, những tủ sách pháp luật đặt tại đồn Biên phòng được sử dụng nhiều hơn, với nhiều loại sách phong phú và hấp dẫn hơn. Thậm chí, có địa phương giao cho đồn Biên phòng quản lý tủ sách cùng với điểm truy cập internet công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã. Việc đó là để người dân tiếp cận với sách, với văn hóa dễ dàng hơn. Khi có tranh chấp dân sự hoặc liên quan đến pháp luật, những tủ sách này mới được sử dụng và góp phần giảm thiểu, hạn chế những bất ổn về an ninh trật tự trong đời sống của người dân biên giới.

Tuy vậy, những tủ sách này vẫn dừng ở mức “xóa đói thông tin” và làm tài liệu tra cứu thông tin khi hữu sự. Những khu vực này, nhiều người chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào, chưa kể đến tỉ lệ mù chữ và tái mù chữ rất cao ở số người trung niên và người già. Nếu kích thích văn hóa đọc, không nơi nào có thể phù hợp hơn là trường học, nơi trẻ nhỏ bắt đầu làm quen với chữ, yêu thích và khám phá tiếng Việt, đồng thời có môi trường để tiếp cận với sách nâng cao, sách văn học và sách phổ biến kiến thức.

 Các đơn vị BĐBP thực hiện nghiêm chế độ luân chuyển sách với thư viện tỉnh, huyện, xã và điểm bưu điện văn hóa xã để các tủ sách dạng này luôn phong phú, hấp dẫn. Có đơn vị còn trích một phần quỹ vốn để mua thêm sách pháp luật và phát động mỗi cán bộ, chiến sĩ một năm ủng hộ một cuốn sách, tạo nên các mô hình tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và khai thác tủ sách với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tiến tới giúp địa phương trong lộ trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững.

Một số tỉnh như Quảng Nam, Lạng Sơn, Sóc Trăng... còn xây dựng tủ sách văn học, để tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hoặc các trạm, tổ công tác Biên phòng, hoặc thuê mượn địa điểm gần trường học và cử cán bộ, chiến sĩ trông coi tủ sách, hằng ngày mở cửa đón học sinh, người dân đến đọc sách và không ngừng bổ sung sách mới. Những mô hình như vậy đã góp phần đưa sách về nông thôn, khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng.

cu5z_17b
Một tủ sách pháp luật tại Đồn Biên phòng Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Thụy Văn

Văn hóa đọc đang bước vào thời kỳ phục hưng mạnh mẽ ở các đô thị lớn. Hầu hết các thành phố lớn hiện nay đều có đường sách riêng, có ngày hội sách được xây dựng như một địa điểm văn hóa. Xuất bản đang thời kỳ nở rộ để có thể lấy lại những độc giả đã, đang và sẽ bị cuốn đi bởi internet. Số lượng đầu sách tăng, nhà sách kinh doanh và chất lượng sách cũng được nâng lên. Một trong số những loại hình sách được yêu thích sau ebook (sách điện tử) là audiobook (sách nói, sách online).

Ở các vùng nông thôn, sách giấy chưa được tiếp cận nhiều thì đã phải tính đến việc phổ cập sách nói và các công cụ truyền bá kiến thức qua mạng internet. Bởi tốc độ phổ cập internet đã bỏ xa tốc độ của sách giấy đi đường bộ trong tình thế giao thông nông thôn miền núi vẫn chưa đủ tiêu chuẩn. Tất cả chỉ là vấn đề phương tiện. Sáng suốt lựa chọn phương tiện nào tiếp cận với nông thôn miền núi một cách hiệu quả nhất thì văn hóa đọc mà thực chất là con đường truyền đi - tiếp nhận văn hóa, kiến thức và kỹ năng mới đến đích.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc ưa thích văn chương, ham học hỏi, trí thức ở thời nào cũng được trọng vọng. Hiện nay, vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội đang được ưu tiên ở các vùng dân cư còn nghèo khó, nhưng đã thấy “ánh sáng” từ các nguồn tiếp cận văn hóa, trong đó có vấn đề đọc sách. Việc đưa sách vào các trường học cho thấy, đây là bước đi trúng và hiệu quả, rất cần được phát huy.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO