Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 01:18 GMT+7

Khơi dậy niềm tự hào về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến

Biên phòng - Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện lớn không chỉ với người dân Thủ đô mà còn của cả nước. Nhiều hoạt động kỷ niệm đã và đang được thành phố Hà Nội tổ chức, được đông đảo công chúng quan tâm. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong xu thế hội nhập quốc tế.

Những bức thư pháp được trưng bày tại triển lãm và liên hoan thư pháp “Thăng Long - Hà Nội” được nhiều người xem yêu thích. Ảnh: Nguyên Thanh

Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện, chương trình kỷ niệm hấp dẫn từ tháng 9 đến tháng 11-2020 với nhiều hình thức như triển lãm, hội thảo, giáo dục truyền thống, biểu diễn nghệ thuật... trong đó, cao điểm tập trung là Tuần văn hóa diễn ra từ ngày 2 đến ngày 11-10 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, hội tụ và lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc”.

Cuộc triển lãm đầu tiên: “Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước” diễn ra ngày 1-10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức. Triển lãm thể hiện dưới hình thức pano, theo 3 chủ đề chính: Quê hương và dòng tộc; Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước và Sống mãi cùng non sông. Triển lãm giới thiệu về thân thế, sự nghiệp trung hưng đất nước của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, xưng vương, lập nên triều Ngô trong lịch sử dân tộc và định đô tại Cổ Loa. Triển lãm diễn ra đến ngày 4-10, sau đó được đưa về trưng bày tại Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) đến hết tháng 11-2020.

Từ ngày 2 đến ngày 10-10, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra triển lãm và liên hoan thư pháp “Thăng Long - Hà Nội”. Sự kiện giới thiệu hơn 100 tác phẩm thư pháp và thư họa, được sáng tác dựa trên một số tác phẩm văn học tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội từ năm 1010 cho đến nay với chủ đề ca ngợi con người và cảnh đẹp Thăng Long - Hà Nội, giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, giáo dục và đào tạo nhân tài tại Quốc Tử Giám... Thư pháp xưa nay vốn là nghệ thuật của đường nét, của các loại hình văn tự. Triển lãm và Liên hoan thư pháp hướng tới việc kết nối các câu lạc bộ thư pháp trên cả nước với hai loại hình thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ, nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa, giới thiệu đến công chúng môn nghệ thuật hấp dẫn, thú chơi được nhiều người yêu thích.

Triển lãm và liên hoan thư pháp là một hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Tại sự kiện này diễn ra một số hoạt động như: Trình diễn thư pháp, tặng chữ, tọa đàm về hoạt động thư pháp, giao lưu giữa các câu lạc bộ thư pháp, tương tác giữa các câu lạc bộ thư pháp và du khách, du khách thể nghiệm viết thư pháp...

Ngày 2-10 diễn ra Triển lãm mỹ thuật Thủ đô lần thứ 51 - năm 2020 do Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Triển lãm quy tụ 250 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc đặc sắc, sáng tạo do Hội Mỹ thuật Hà Nội xét tuyển từ 500 tác phẩm của các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật gửi đến tham dự.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thế Dương có tranh trưng bày tại triển lãm cho biết: “ Các tác phẩm tại triển lãm có chất lượng tốt, phong phú về đề tài thể hiện như: Lịch sử, kháng chiến, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, lễ hội dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch Covid-19... được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ, lụa, chất liệu tổng hợp...”. Qua triển lãm, người xem cảm nhận vẻ đẹp, sức sống của Thủ đô dưới nhiều góc nhìn. Triển lãm diễn ra đến ngày 11-10.

Từ ngày 3 đến ngày 15-10, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Những dấu son lịch sử” tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phía trước tượng đài Lý Thái Tổ. Triển lãm gồm 200 hình ảnh, tư liệu, ảnh hiện vật, được chia thành 3 chuyên đề: Hà Nội - Kinh đô muôn đời, Hà Nội - Tiếp nối trang sử vàng, Hà Nội - Đổi mới sáng tạo và phát triển. Triển lãm nhằm giới thiệu đến công chúng một cái nhìn toàn cảnh cho từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Triển lãm là dịp để cán bộ, nhân dân và du khách gần xa thêm hiểu, thêm yêu và thêm gắn bó với Thủ đô Hà Nội.

Trong tuần văn hóa này, từ ngày 1 đến 20-10, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức đợt chiếu phim miễn phí với nhiều phim truyện, phim ca nhạc, phim tài liệu... đặc sắc về Hà Nội được trình chiếu phục vụ nhân dân Thủ đô tại nhiều địa điểm. Các phim có nội dung, đề tài về lịch sử cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội nghìn năm văn hiến... Tiêu biểu như các phim: “Hà Nội vùng đứng lên”, “Long thành cầm giả ca”, “Hà Nội mùa Đông năm 1946”, “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Em bé Hà Nội”; các phim tài liệu: “Hoa Tết Hà Nội”, “Khám phá du lịch Hà Nội”, “Ngày Độc lập 2-9”, “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”...

“Áo dài xưa và nay” là chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ được tổ chức vào tối ngày 10-10 tại sân khấu số 2 Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với nhiều tiết mục nghệ thuật và trình diễn áo dài đặc sắc, do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm, Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tổ chức. Chương trình nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của chiếc áo dài Việt Nam, lan tỏa tình yêu áo dài đến mọi người. Điểm nhấn trong chương trình là màn biểu diễn các bộ sưu tập áo dài từ cổ xưa đến hiện đại của những thương hiệu nổi tiếng. Hoạt động sẽ mang đến cho công chúng thấy được sự thay đổi của áo dài qua từng thời kỳ để càng thêm yêu tà áo dài truyền thống Việt Nam...

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO