Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 08:43 GMT+7

Khởi đầu mới trong quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Nga

Biên phòng - Khi mối quan hệ của một số nước trên thế giới đang rơi xuống bờ vực Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản quyết định tiến gần hơn với Trung Quốc và Nga. Điều đó được thể hiện tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok (Nga) ngày 13-9 vừa qua, trong khi nước đồng minh quân sự Mỹ không tham dự hội nghị.

ga1skubnjh-4759_f_jm8gq99f0_Bai_chinh_BP_75
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và tổng thống Nga V.Putin tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostok (Nga). Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên bên lề hội nghị kể từ tháng 11 năm ngoái, sau khi hai nước tuyên bố bắt đầu “một khởi đầu mới” trong mối quan hệ. Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình đã đồng tình với nhận định của ông Shinzo Abe rằng “quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đang mở rộng”. Dự kiến chuyến thăm chính thức của thủ tướng Nhật Bản đến Bắc Kinh vào tháng tới sẽ giúp thúc đẩy ký kết khoảng 20 đến 30 dự án liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Diễn đàn thuộc một phần nỗ lực của ông Putin trong việc xây dựng mối quan hệ với châu Á, trong khi mối quan hệ với châu Âu đang xảy ra căng thẳng. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga đã cùng nhất trí về việc bảo vệ hòa bình và ổn định toàn cầu khi quan hệ song phương hai nước đã bước vào giai đoạn phát triển cao hơn. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình cũng cho biết, tại cuộc gặp thượng đỉnh, quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản đã bình thường hóa trở lại nhờ nỗ lực chung của hai bên.

Dự kiến tháng 10 năm nay, ông Shinzo Abe sẽ tới thăm Bắc Kinh vào đúng ngày thiết lập quan hệ đối tác song phương và hiệp ước hòa bình có hiệu lực 40 năm trước. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm đến Nhật Bản vào khoảng tháng 6 năm sau. Mối quan hệ “không ổn định” giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đi xuống vào tháng 9-2012 sau việc Nhật Bản “quốc hữu hóa” quần đảo Sensaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đang tiến hành cuộc chạy đua vũ trang. Trong Sách trắng Quốc phòng năm nay, Nhật Bản tiếp tục nhận định Trung Quốc vẫn là “mối quan tâm lớn” của nước này trong việc duy trì sự ổn định và an ninh. Nhưng hai nước vẫn tích cực tránh các cuộc đụng độ quân sự và khởi động đường dây nóng báo cáo xung đột vào tháng 6 năm nay. Hai nước cũng đã hợp tác trong các dự án phát triển tại các nước thứ ba như dự án đường sắt cao tốc ở Thái Lan. Tokyo và Bắc Kinh đã tổ chức đối thoại kinh tế song phương lần đầu tiên sau 8 năm vào tháng 4 năm nay; tháng 5-2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên tới thăm Nhật Bản sau nhiều năm.

Đối với mối quan hệ Nga và Nhật Bản, từ lâu nay, Tokyo thường xuyên lên án các hoạt động kinh tế của Nga trên quần đảo Nam Kuril (theo cách gọi của Nga) và Vùng lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản). Khu vực này gồm 4 đảo tranh chấp giữa hai nước ở phía Bắc Hokkaido (Nhật Bản), bị Liên Xô cũ chiếm đóng từ Chiến tranh thế giới lần thứ II. 73 năm sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, cả hai nước vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình chung. Tuy nhiên, trong dịp diễn ra Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Tổng thống Nga V.Putin đã bất ngờ đề xuất mong muốn đạt thỏa thuận về hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Nga vào cuối năm nay.

Quan hệ kinh tế và chính trị giữa Nga và Nhật Bản luôn bị hạn chế do vấn đề tranh chấp quần đảo giữa hai nước. Tại phiên họp chung Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Thủ tướng Nhật Bản cho biết hai nước cần thay đổi cách tiếp cận để đạt được thỏa thuận hòa bình. Ông V.Putin cũng cho rằng việc tranh chấp quần đảo giữa hai nước đã tạo ra những hạn chế nhất định trong mối quan hệ song phương.

Một số nhà phân tích cảnh báo có thể phải mất nhiều năm mới thực hiện được một thỏa thuận hòa bình giữa hai nước, hơn nữa sự đột phá trong quan hệ Nga - Nhật Bản sẽ khó có thể xảy ra do hai nước vẫn nhiều tranh cãi xung quanh quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, quan hệ Nhật Bản - Nga vẫn còn nhiều triển vọng phát triển trong tương lai khi ông Putin đang có kế hoạch cân bằng chính sách hướng Đông của Nga nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Hà Thu

Bình luận

ZALO