Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Khoảng trống giữa đào tạo và việc làm

Biên phòng - Theo số liệu thống kê năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 3,22%), tăng gần 204 nghìn người so với năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp do tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, thời điểm này công tác định hướng nghề cho thanh niên, giảm sự “lệch pha” giữa hệ thống đào tạo với nhu cầu thực tế cần được coi là yêu cầu bức thiết.

Thực tế cho thấy, trong tổng số gần 56 triệu người lao động Việt Nam, tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề hiện nay chỉ chiếm 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn ít cơ hội được dạy nghề và việc làm sau đào tạo.

Các chuyên gia lao động cảnh báo, thực trạng trên làm nguồn nhân lực Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực.

Xu hướng thanh niên nông thôn đến tuổi lao động, thay vì học nghề lại ra thành phố làm công việc giản đơn ngày càng cao. Do không có một định hướng để phát triển nghề nghiệp lâu dài, tuổi trẻ cứ thế trôi qua bằng những công việc không có kỹ năng, với mức thu nhập rất thấp. Đến khi không có những công việc giản đơn để làm nữa, tỷ lệ thất nghiệp ở lứa tuổi trung niên tăng đột biến.

Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động không có kỹ năng.

Theo Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2025, có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng cũng có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Muốn đáp ứng yêu cầu của việc làm trong tình hình mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, tay nghề.

Nhiều chuyên gia chỉ ra, thách thức trong giai đoạn trước mắt là vừa phải giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, lâu dài về đào tạo nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong khoảng 5-10 năm tới.

Đào tạo nghề ở nước ta không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn có sự “lệch pha” trong định hướng đào tạo nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp giữa hệ thống đào tạo với nhu cầu thực tế về nhân lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ở cơ cấu đào tạo, tình trạng thất nghiệp và cấu trúc nguồn nhân lực.

Để khắc phục bất cập này, các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cần luôn song hành trong mối quan hệ hỗ trợ của nhà nước. Doanh nghiệp chủ động chia sẻ nhu cầu tuyển dụng lao động, đặt hàng các vị trí việc làm. Cơ sở đào tạo tăng cường nắm bắt xu hướng việc làm, ngành nghề đang thiếu hụt và nhu cầu của nhà tuyển dụng để điều chỉnh, đa dạng các loại hình đào tạo như đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo tại nơi làm việc, đào tạo trực tuyến theo từng kỹ năng...

Mặt khác, công tác đào tạo nghề cần được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống giáo dục, đào tạo, ở mọi cấp độ, trình độ, hình thức đào tạo. Đòi hỏi cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực ở các địa phương, các lĩnh vực, tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, người lao động phải ý thức trang bị kỹ năng nghề, sẵn sàng thích ứng với bất cứ thay đổi nào đến từ công nghệ cũng như từ các rủi ro không lường trước như đại dịch Covid-19.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời tháo gỡ những rào cản, vướng mắc để hỗ trợ tốt nhất, giúp cho mối quan hệ này trở nên hiệu quả. Có như vậy, thì khoảng trống giữa hệ thống đào tạo nghề với thực tế việc làm mới có thể được giải quyết và thu hẹp.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO