Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 10:47 GMT+7

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Biên phòng - Câu ca dao trên đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vận dụng sáng tạo khi thực hiện mô hình điểm “5 nội dung phải làm và 5 nội dung không nên làm” trong đồng bào dân tộc Mông xã Phúc Than sau một năm triển khai thực hiện.

jxdq_16b
Sau khi ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa, những bài hát giao duyên truyền thống được đồng bào dân tộc Mông ở Than Uyên bảo tồn và gìn giữ. Ảnh: Nhật Minh

Xã Phúc Than có 2.130 hộ, 10.223 nhân khẩu, với 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, 6 bản dân tộc Mông với 464 hộ, 2.552 nhân khẩu vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục như: Tục “ma khô” rất tốn kém; người chết không cho vào quan tài và để lâu ngày mới mang đi chôn làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sức khỏe của cộng đồng, người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ ba, thứ tư; trồng và tái cây thuốc phiện, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; thả rông gia súc, phá đốt rừng làm nương; sử dụng súng săn tự chế... vẫn xảy ra ở hầu hết ở 6 bản người Mông.

Để tháo gỡ những khó khăn, bất cấp ấy và trên cơ sở định hướng của Ban chỉ đạo công tác tôn giáo huyện, Đảng ủy xã đã tổ chức lấy ý kiến của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông, đây là những ý kiến xuất phát từ tâm nguyện của nhân dân, nhất là ý kiến đề xuất của 6 bản đồng bào Mông. Từ đó, Đảng ủy, chính quyền xã chọn ra “5 nội dung phải làm và 5 nội dung không nên làm”, tổ chức ký cam kết đến từng bản, từng gia đình.

Dẫn chúng tôi đi thăm bản Sắp Ngụa 1, một trong những bản tiêu biểu thực hiện nội dung cam kết với hệ thống đường bản sạch đẹp, đám cưới, đám tang được thực hiện theo đúng đời sống mới, Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Sơn chia sẻ: “Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Tác phẩm đời sống mới với bút danh Tân Sinh. Theo Người: Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Mà cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Đó là mục đích của đời sống mới. Việc thực hiện “5 nội dung phải làm và 5 nội dung không nên làm” cũng chính là cụ thể hóa lời dạy của Bác về xây dựng đời sống mới gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay”.

Sau khi mời chúng tôi mỗi người một ly nước lá rừng thơm phức, Bí thư Chi bộ bản Sắp Ngụa 1 Giàng A Tu chia sẻ: “Trước kia, khi chưa tổ chức ký cam kết, các hủ tục ở đây còn rất rườm rà gây lãng phí cho người dân trong bản. Nhưng từ khi thực hiện “5 nội dung phải làm và 5 nội dung không nên làm” do chính người dân bàn thảo đưa ra thì đám cưới được tổ chức gọn nhẹ hơn mà gia chủ không ngại với bà con lối xóm; các cháu có nguy cơ tảo hôn đã được trưởng bản và các tổ chức đoàn thể đến tận nhà tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, các đám tang chỉ tổ chức 2 ngày 1 đêm và đều được đưa vào quan tài, từ đó đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng và người thân trong gia đình”.

Không chỉ dừng lại ở việc ký cam kết mà trong quá trình triển khai thực hiện, các bản, từng gia đình, từng người dân luôn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể, cán bộ xã với từng nội dung cam kết. “Từ khi ký cam kết đã vận động 16 cặp dừng lại để tìm hiểu nhau, chờ khi đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. 100% các hộ dân đồng tình và chấp hành tuyệt đối tốt nội dung cam kết, không có gia đình nào tổ chức đám tang mổ nhiều trâu, bò, lợn gà. 11/11 người chết trên địa bàn xã trong thời gian qua đều cho vào quan tài, không để quá 2 ngày và được chôn cất đúng cam kết. 2 hộ/12 khẩu đã từng nghe lời kẻ xấu theo đạo trái pháp luật tự nguyện từ bỏ và lập lại bàn thờ tổ tiên như gia đình ông Giàng A Nhìa ở bản Nậm Vai; Mùa A Sấu ở bản Sắp Ngụa 2” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Hiệp cho biết. 

“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã Phúc Than sẽ nêu cao truyền thống đoàn kết, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, bài trừ các tập tục lạc hậu, từ đó góp phần nâng cao chất lượng từng tiêu chí, xứng đáng là xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018” - Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Sơn cho biết thêm.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, câu ca dao ấy đã được cấp ủy, chính quyền xã Phúc Than vận dụng một cách sáng tạo, từ đó góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Đặc biệt, không những các hủ tục lạc hậu, rườm rà được loại bỏ mà các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống với các bài hát, điệu múa khèn, bài khèn lá... được đội văn nghệ các bản quan tâm gìn giữ và truyền lại cho nhau thông qua các buổi giao lưu, luyện tập.

“Từ khi ký cam kết, bản không có hộ theo đạo trái pháp luật, không có người buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, không còn tình trạng thả rông gia súc, không có người chặt phá rừng làm nương...” - Anh Vàng A Thành, bản Nậm Vai chia sẻ.

Nhật Minh

Bình luận

ZALO