Biên phòng - Được quảng bá rầm rộ và ồn ào, chương trình kích cầu du lịch nội địa đầu tháng 5-2020 tạo nên một làn sóng dịch chuyển đông đúc, hào hứng. Tuy nhiên, đợt 2 của kích cầu du lịch vào tháng 10 này, các doanh nghiệp và địa phương thận trọng hơn vì nhiều lý do.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” vào cuối tháng 9 vừa qua nhằm hồi phục đời sống du lịch trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trải qua nửa đầu tháng 10, có thể thấy, các địa phương và doanh nghiệp chưa có động thái cụ thể đáp ứng chiến lược này. Nguy cơ đóng băng ngành kinh tế mũi nhọn sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm ở nhiều vùng du lịch trọng điểm nếu không có cách làm sáng tạo và hành động cụ thể, quyết liệt.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau khi chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 khởi động, nhiều địa phương trong cả nước đã nhanh chóng liên kết, cùng cam kết đồng lòng hồi phục đời sống du lịch hấp dẫn sau “cú đánh bồi” lần 2 của đại dịch Covid-19. Lần này, thoạt đầu, chương trình kích cầu nhắm tới 7 tỉnh, thành phố ít bị ảnh hưởng của đợt dịch tái phát vào mùa Hè 2020 gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh ký kết ghi nhớ, cam kết thực hiện chương trình “Bảy địa phương du lịch an toàn và hấp dẫn”.
Xoay quanh trục chính thành phố Hồ Chí Minh là các địa phương phía Nam không quá ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng lại không phải là vùng du lịch mới mẻ và có điểm nhấn. Cho đến giữa tháng 10, nhiều thành phố vẫn không hề có khách du lịch. Hoạt động nhà hàng, khách sạch, khu du lịch vẫn đóng cửa im lìm. Có đến 40% tổng số khách sạn, resort tại Bình Thuận chưa mở cửa trở lại. Được mệnh danh là thành phố của resort - Mũi Né chưa bao giờ bê trễ hoạt động du lịch lâu thế và vắng vẻ như bây giờ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận thống kê 70% lao động trong ngành du lịch ở địa phương này mất việc làm.
Thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam, tâm chấn của bùng phát dịch đợt 2 cũng đang tập trung cho kế hoạch tái thiết đời sống du lịch trong không khí dè dặt, thận trọng. Địa phương ưu tiên các doanh nghiệp hiến kế để du lịch Hội An nhanh chóng phục hồi. Một số thông điệp, quảng bá, quy định sẽ phải thay đổi và nới rộng biên độ. Đời sống du lịch đêm - lợi thế của Hội An được nhắm tới. Một số sản phẩm du lịch vệ tinh đã trở nên quen thuộc như làng rau Trà Quế, làng chài Cẩm Nam, rừng dừa Cẩm Thanh... buộc phải được “làm mới” lại. Trong tháng 10, Hội An sẽ rà soát lại lao động nghề dịch vụ du lịch để “liệu cơm, gắp mắm”, đưa đời sống du lịch trở lại bình thường.
Không phải ngẫu nhiên, thành phố du lịch đẳng cấp nhất của Việt Nam là Hội An bị “cú đánh bồi” của đại dịch Covid-19 như vậy. Ở nơi khách du lịch luôn đông đúc hơn người dân sở tại, Hội An khó tránh khỏi việc đứng hàng tuyến đầu hứng nguy cơ bệnh dịch. Quan sát bằng mắt thường thành phố du lịch Hội An sau cơn “sang chấn” vì dịch dã, có thể nhận thấy ngay nhiều hàng quán, cơ sở dịch vụ đóng cửa im ỉm chưa có dấu hiệu gì “thức dậy”. Nhất là các tiệm, hàng vẫn thường cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch hàng hóa cho khách du lịch nước ngoài càng không gượng dậy được. Không ít tiệm hàng đã bỏ kinh doanh, trả mặt bằng chuyển nghề khác.
Các hàng quán địa phương thì rậm rịch hoạt động trở lại phục vụ khách nội địa, tuy nhiên, cũng thưa thớt và vắng vẻ. Ở bãi biển Cửa Đại, cơ sở vật chất đặt ngoài trời ở các khu du lịch hư hỏng vì dãi nắng dầm mưa không ai sử dụng lâu ngày. Thuyền thúng, mủng bè ở các làng du lịch rừng dừa để không, bạc màu, hư hại. Khi dịch bệnh tái bùng phát, Hội An là hình ảnh gợi nhiều xúc cảm xa xót của bạn bè bốn phương vì thành phố này chính là biểu tượng của đời sống du lịch êm đềm và bình yên, là “nơi đến và chốn về” của nhiều lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài ưa thích du lịch. Cũng vì thế, Hội An có phần thiệt hại nhất vì dịch bệnh, cũng như khó khăn nhất khi đặt ra nhiều mục tiêu hồi phục.
Chính vì lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh trong tháng 5, 6, 7, thậm chí vượt qua con số của cùng kỳ năm 2019, chương trình kích cầu du lịch lần 1 mới có thành công ngoài mong đợi. Cũng vì thế, ngày 25-7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì các địa phương đông khách nhất lại ảnh hưởng nhiều nhất. Quảng Nam và Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng ngay với đợt kích cầu du lịch lần 2 cũng vì lý do này.
Anh Quốc Huy, một chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng và khu vui chơi giải trí tại thành phố Đà Nẵng cho biết, sở dĩ cơ sở kinh doanh này không mặn mà với kích cầu du lịch lần 2 vì họ không đạt được doanh thu như mong muốn vào đợt 1. Khi hạ giá các sản phẩm và dịch vụ xuống còn một nửa, doanh nghiệp cắt bớt các hạng mục dịch vụ nhằm cắt giảm lao động và chi phí. Tuy nhiên, thu vẫn không thể bù chi, khấu hao tài sản và việc khởi động lại vấp phải nhiều khó khăn.
Lo ngại nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, thu không đủ bù chi, nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều ngại mở cửa trở lại. Sức ép về nhu cầu việc làm cho người lao động, nhu cầu phải vận hành cơ sở vật chất và hệ thống liên kết các dịch vụ, mắt xích của chuỗi cung ứng... khiến ngành du lịch buộc phải lên phương án hồi sức tăng nhiệt cho thị trường. Bên cạnh đó, thời điểm vàng của du lịch Việt Nam là mùa Hè đã qua. Trước mắt, 3 tháng mùa Đông là thời gian chạy nước rút cuối năm cho các chỉ tiêu kế hoạch của các ngành nghề khác, học trò trở lại với trường lớp, các gia đình chuẩn bị cho mùa Đông khắc nghiệt và mùa Tết Nguyên đán, không phải mùa du lịch cao điểm.
Đợt kích cầu du lịch thứ 2 chỉ có thể tập trung nhằm vào khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc sinh sống tại Việt Nam, chờ đợi đường bay quốc tế trở lại trong khi tình hình dịch bệnh ở các quốc gia, châu lục trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Một số hành động thiết thực như giới thiệu điểm đến, sử dụng lại liên minh kích cầu giai đoạn 1 dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe... nhấn mạnh yếu tố an toàn. Tiếp tục quảng bá mạnh mẽ trên truyền thông, sử dụng mạng xã hội, giảm giá vé địa điểm tham quan, đặc biệt là phòng chống dịch gắt gao, giảm thiểu yếu tố nguy cơ. Huy động các hội nghề nghiệp vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng là cách tạo áp lực từ nhiều phía để hoạt động du lịch trở lại bình thường.
Thúy Hằng