Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Khó khăn trong bảo tồn tinh hoa rối cạn Ru Nghệ

Biên phòng - Tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có 2 phường rối cạn của đồng bào dân tộc Tày là phường Thẩm Rộc và phường Ru Nghệ. Tuy đều là loại hình múa rối cạn, nhưng phương thức hoạt động của 2 phường rối trên có những đặc điểm khác nhau: phường rối Thẩm Rộc nặng về tính “thiêng” - tính lễ, còn phường rối Ru Nghệ thiên về tính hội. Từ những điểm khác biệt đó, trong những năm gần đây, phường rối Ru Nghệ đã làm tốt công tác bảo tồn và truyền dạy nghề rối cho các thế hệ trẻ người Tày tại địa phương.

Các nghệ nhân phường rối Ru Nghệ điều khiển trò diễn tắc kè leo cây. Ảnh: Ngọc Ánh

Tinh hoa rối cạn

Kể về tinh hoa rối cạn của phường rối Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa), ông Ma Văn Cười, Trưởng phường rối cho biết, loại hình nghệ thuật múa rối của phường rối thôn Ru Nghệ có từ xa xưa. Ngày bé, ông thường theo bố ra hợp tác xã xem múa rối, rồi tình yêu với những con rối ngấm vào máu lúc nào không hay.

Rối cạn Ru Nghệ là màn trình diễn các tích trò mô phỏng hoạt động lao động của người nông dân và các hiện tượng tự nhiên như cày, bừa, câu cá, tắc kè leo cây... Tích trò kể câu chuyện con tắc kè, đại diện cho loài vật, vì có khả năng dự báo thời tiết tốt nên tranh công với pú cấy (con người) cách làm ra các loại lương thực. Các tích trò do các kép diễn điều khiển con rối bằng tay mô phỏng những động tác mạnh giữa con người và tắc kè như leo lên, tụt xuống, chạy, nhảy, cào, cấu, giằng xé rất sinh động, mang đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái.

Cùng là trình diễn rối cạn, nhưng rối cạn Ru Nghệ khác với rối cạn Thẩm Rộc. Rối cạn Ru Nghệ được điều khiển bằng que tre, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then. Cùng với đó là lời giáo và tiếng trống rộn rã trong đoạn mô phỏng cảnh cày, bừa của nông dân, gây ấn tượng trên sân khấu...

Xưa kia, phường rối Ru Nghệ thường biểu diễn trong các lễ tịch điền của hội làng, trong Lễ hội Lồng tồng đầu Xuân, thu hút hàng ngàn người dân trong vùng đến xem, cổ vũ. Bà Hà Thị Đình, nghệ nhân phường rối hồi tưởng lại: “Hồi xưa, mỗi đêm làng có diễn rối, lũ trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi lắm. Thường thì một chương trình biểu diễn rối Tày Ru Nghệ kéo dài 1 giờ đồng hồ, có 14 người làm kép thì mới diễn đầy đủ được các tích trò. Ví dụ, màn đi câu cá sẽ có 7 người trẻ đi câu, 7 người già đi sau múa. Múa rối cạn Ru Nghệ là một hoạt động nghệ thuật quần chúng mang tính tổng hợp (văn, thơ, nhạc, họa, kịch), được chắt lọc cô đọng, tinh túy”.

Bảo tồn nghề rối - còn nhiều khó khăn

Sau những năm tháng thăng trầm theo những biến cố của lịch sử, nghệ thuật múa rối cạn của người Tày Ru Nghệ gần như bị mai một, thất truyền. Mãi đến năm 2011, khi tỉnh Thái Nguyên triển khai Đề án về “Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa” giai đoạn 2011-2015, Phòng Văn hóa huyện Định Hóa mới phối hợp với các nghệ nhân phường rối bắt tay vào nghiên cứu, phục hồi lại nghệ thuật đặc sắc này.

Ngày 18-7-2012, Phòng Văn hóa huyện kết hợp với người dân thôn Ru Nghệ thành lập Tổ khôi phục phường rối cạn. Tổ khôi phục đến từng nhà, gặp các cụ già đã tham gia vào phường rối năm xưa để tiến hành ghi chép lời kể và các ý kiến, kiến nghị của nhân chứng. Từ cơ sở đó, Tổ khôi phục giao cho ông Ma Văn Cười và các nghệ nhân múa rối tiến hành đục đẽo, tái tạo các con rối, dụng cụ và lên kế hoạch mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn.

Sau một thời gian nghiên cứu, phục hồi những con rối, Trưởng phường rối Ma Văn Cười và các nghệ nhân phường rối xưa đã truyền dạy, hướng dẫn cho một số người trung tuổi và lớp trẻ cách biểu diễn rối cạn. Sau những buổi luyện tập đó, phường rối cạn thường xuyên biểu diễn và được quần chúng nhân dân phấn khởi đón nhận.

Đặc biệt, từ năm 2015, nghệ thuật múa rối cạn người Tày ở Định Hóa (Thái Nguyên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ thời điểm đó đến trước khi xảy ra dịch Covid-19, các nghệ nhân của phường rối đã đi biểu diễn ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh như tại các Lễ hội Lồng tồng đầu năm, Festival trà Thái Nguyên hằng năm, tại phố đi bộ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam...

Ngoài ra, thực hiện chủ trương đưa di sản văn hóa truyền thống vào trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phường rối Ru Nghệ đã tổ chức biểu diễn nhiều lần tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Định Hóa. Phòng Văn hóa huyện còn phối hợp với phường rối tổ chức mở các lớp truyền dạy nghề biểu diễn múa rối, thu hút hàng trăm lượt học sinh tham gia. Lớp học được tổ chức 2 buổi cuối tuần, do các nghệ nhân phường rối làm giảng viên.

Với những cố gắng trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, chính quyền cùng nhân dân Ru Nghệ đang từng bước bảo tồn và làm hồi sinh nghệ thuật múa rối cạn Ru Nghệ.

Theo bà Trần Thị Nhiên, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn di sản múa rối cạn Nghệ thuật rối cạn từ bao đời nay lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối, khi nghệ nhân phường rối cao tuổi, ra đi thường mang theo cả bí quyết trình diễn rối vì sợ ma hát (ma bắt), những người ngoài phường, ngoài dòng họ dù muốn cũng không dám học. Bên cạnh đó, những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ không có điều kiện hoặc không mặn mà với môn nghệ thuật này nữa. Ngoài ra, hơn 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các phường rối gần như không thể tập luyện hay biểu diễn. Chính điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các nghệ nhân cũng như cộng đồng. Bảo tồn nghệ thuật múa rối cạn vẫn đang là một thử thách đối với các nghệ nhân phường rối Ru Nghệ.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO