Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 09:42 GMT+7

Kho chất liệu văn hóa dân tộc và đời sống đương đại

Biên phòng - Năm 2021, dự án âm nhạc “Tình đàn” của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang phải gác lại thời điểm ra mắt vài lần vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhưng dường như việc công chúng chủ yếu tiếp nhận nghệ thuật trên nền tảng internet một lần nữa giúp dự án thành công, đặc biệt là số lượng khán giả trẻ đến với Ngô Hồng Quang và âm nhạc dân gian đương đại của anh càng nhiều.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và nhóm Đàn Đó biểu diễn ra mắt album “Tình đàn”. Ảnh: TTH

Dự án âm nhạc “Tình đàn” của Ngô Hồng Quang là một câu chuyện văn hóa dân gian được kể bằng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc đương đại. Dự án gồm tuyển tập âm nhạc phát hành dưới dạng đĩa CD, video ca nhạc và những buổi biểu diễn mà tác giả gọi là tri ân khán giả và chia sẻ điều huyền diệu của kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam. “Tình đàn” đậm chất dân gian, cảm xúc trong sáng, mộc mạc và chân thành nhưng chứa đựng nội lực rất lớn của một nghệ sĩ trẻ khi xâm nhập vào vốn văn hóa dân tộc. Khả năng sử dụng âm nhạc dân gian đáng nể, mới mẻ trên nền chất liệu căn bản, âm nhạc của anh tái sinh lại, trẻ hóa những giá trị cốt lõi của văn hóa dân gian nguyên gốc.

Sử dụng vốn quý âm nhạc dân tộc vào sự nghiệp sáng tác, Ngô Hồng Quang, một nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ, người chơi nhạc cụ dân tộc, một chuyên gia nghiên cứu âm nhạc đúng nghĩa đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Với nỗ lực tu nghiệp nước ngoài ở lĩnh vực này, mang theo sự say mê âm nhạc dân tộc ra thế giới hòa nhập với nhiều nền văn hóa khác nhau, Ngô Hồng Quang làm mới kho tàng âm nhạc dân gian theo cách riêng.

Không chỉ khán giả trong nước thích thú vì âm nhạc của anh mà bạn bè quốc tế đã từng quen với gương mặt âm nhạc Ngô Hồng Quang cũng phải trầm trồ. Một lần nữa, với lĩnh vực nghệ thuật của mình, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đều đã tìm ra con đường đưa văn hóa dân gian hòa nhập thế giới. Giữa trăm ngàn sự phong phú và đa dạng của các nền văn hóa nhân loại, âm nhạc dân gian Việt Nam xuất hiện như một bản thể sâu sắc, nhân văn, giàu tính nghệ thuật.

Ngô Hồng Quang chia sẻ, “Tình đàn” của anh là sự giao thoa và song hành của âm nhạc dân tộc - tượng đài nghệ thuật mà anh theo đuổi, với những thanh âm đa dạng từ âm nhạc quốc tế. Anh muốn chứng tỏ một điều, âm nhạc không có biên giới, con đường để âm nhạc đi vào tâm hồn có chung một loại ngôn ngữ. Bao trùm trong âm nhạc của anh là truyền thống hòa quyện với hiện đại, sự tương tác khéo và duyên giữa các nền văn hóa.

Để có được album “Tình đàn”, Ngô Hồng Quang đã sống cùng với người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang để tìm hiểu tiếng đàn môi. Anh gắn bó và yêu quý cây đàn tính của người Tày, biến nó thành linh hồn cho các sáng tác của mình. Phim ca nhạc với bài hát “Tình đàn” bản viết cho cây đàn tính anh biểu diễn cùng với nhóm Đàn Đó - một nhóm nhạc dân gian đương đại được quay tại Lâm Bình, Tuyên Quang, một vùng đất văn hóa Tày đặc sắc.

Đặc biệt, album “Tình đàn” còn có tác phẩm được sáng tác mới và phối khí, biểu diễn với sự kết hợp của các nhạc cụ quốc tế là đàn Santur và bộ gõ Senegal. Một số các bản nhạc khác có xuất hiện âm nhạc dân gian các dân tộc vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngô Hồng Quang tham vọng album của anh là một hành trình văn hóa, ở đó, khán giả có thể trải nghiệm nhiều thanh âm từ đàn tính, đàn nhị, đàn bầu, tiếng ru hời, tiếng hú của núi, tiếng reo của nước, mây, cây cỏ... sự hòa quyện và tung tẩy đạt đến nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao xuất phát từ gốc văn hóa dân gian hết sức thân thuộc, giản dị.

Đối với nghệ sĩ trẻ, việc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong sáng tác là một thách thức. Ngô Hồng Quang không chỉ là một nhạc sĩ, một người am hiểu nền tảng âm nhạc, anh là người chơi nhạc cụ đúng nghĩa và là người mang tâm hồn thuần Việt. Kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam là nền tảng, vốn quý cho nghệ sĩ, đồng thời cũng là “ngôi đền” để các nghệ sĩ nuôi dưỡng khát vọng vươn tới là một “vị thần” trong lĩnh vực sáng tác.

Các thế hệ nhạc sĩ trước đây đã sử dụng chất liệu này tương đối thành công. Lớp trẻ tiếp theo càng muốn tìm con đường mới, đưa đến những sự kết hợp mới mẻ. Sống nhiều ngày cùng với đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền Việt Nam, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ, anh cảm thấy bản thân âm nhạc như đời sống. Tiếng đàn môi (của người Mông) là để nói thay lời. Tiếng đàn tính là nhịp sống của con người giữa núi rừng...

Sau nhiều ngày trở về từ vùng đồng bào thiểu số, Ngô Hồng Quang nói, dường như anh vẫn muốn sống, muốn đắm chìm trong không gian sống đó, miên man trong đời sống đầy chất nhạc đó. Khi ra nước ngoài, và có dịp lưu diễn nhiều nước trên thế giới, Ngô Hồng Quang muốn khoe với bạn bè quốc tế chất liệu âm nhạc dân gian của các dân tộc Việt Nam qua con mắt của anh, tâm hồn anh. Cơ hội va chạm với nhiều nền văn hóa trên thế giới còn giúp anh chắt lọc, tìm ra sự đồng điệu của ngôn ngữ âm nhạc.

“Rồi đây, văn hóa của loài người sẽ chẳng còn biên giới nào cả, chỉ có sự hòa nhịp chung, câu chuyện sinh tồn chung mà riêng, bản địa nhưng hòa nhập, liên kết để hòa chung một dòng chảy” - Anh nói.

Việc phát triển văn hóa từ kho tàng âm nhạc dân gian là cách hữu hiệu nhất để bảo tồn vốn quý này. Với xu hướng số hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian càng có nhiều cơ hội được phổ biến lan tỏa trên thế giới với điều kiện là nền văn hóa đó phải mạnh mẽ, bản sắc. Cùng với xu hướng này, những người trẻ cũng đã tiếp nhận âm nhạc dân tộc theo một xu thế mới, loại bỏ dần cái cũ và hào hứng với cái mới, đánh giá đúng sáng tạo của nghệ sĩ và tự hào với kho tàng văn hóa dân gian các vùng miền Việt Nam.

Ngô Hồng Quang (38 tuổi) là ca sĩ, nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc dân gian đương đại. Năm 2010, Ngô Hồng Quang bắt đầu tu nghiệp bậc thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Lan sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh có thể hát, sử dụng nhạc cụ đàn nhị, đàn bầu, k’ny, gòong, đàn môi, đàn tính, đàn hồ, bộ gõ và là người có công phục dựng, phổ biến đàn chiêng dây, đã biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO