Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 11:43 GMT+7

Khó cán đích mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong trẻ em dân tộc thiểu số

Biên phòng - “Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Việt Nam vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015 (SDGs) về giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn cao hơn từ 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết. Vấn đề tử vong trẻ em hiện là một trong những thách thức lớn đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Đây cũng là chỉ tiêu rất khó đạt được theo mục tiêu SDGs.

luzj_10
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: N.H

Thách thức lớn ở vùng DTTS

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tỉ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 58 phần nghìn năm 1990 xuống còn 21,8 phần nghìn năm 2016, tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4 phần nghìn xuống còn 14,5 phần nghìn. Tuy nhiên, xét theo trong tương quan vùng miền, có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực miền núi, vùng DTTS với thành thị, tạo ra thách thức lớn cho việc hoàn thành mục tiêu SDGs về giảm tỉ lệ tử vong trẻ em ở vùng DTTS.

Mục tiêu SDGs đặt ra đến năm 2020 tỉ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi vùng DTTS thấp hơn 22 phần nghìn và đến năm 2025 còn dưới 19 phần nghìn. Tương tự, tỉ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, giảm xuống 27 phần nghìn (năm 2020) và dưới 22 phần nghìn (năm 2025). Với hiện trạng vùng DTTS, việc đạt các mục tiêu trên là rất khó, thậm chí không khả thi bởi cả 53 DTTS có tỉ suất tử vong ở trẻ dưới một tuổi cao hơn 22 phần nghìn (mục tiêu năm 2020) và 66% dân tộc có tỉ suất cao hơn 19 phần nghìn (mục tiêu năm 2025).

Về tỉ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, có đến 75% dân tộc có tỉ suất cao hơn 27 phần nghìn (mục tiêu 2020) và chỉ có một dân tộc có tỉ suất dưới 22 phần nghìn (mục tiêu 2025). Tình trạng tử vong trẻ em đặc biệt đáng báo động đối với các dân tộc: La Hủ, Lự, Mảng, Si La, Rơ Măm và Cờ Lao với tỉ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi lên tới trên 40 phần nghìn và trẻ dưới 5 tuổi trên 60 phần nghìn (cao gấp 2,5 lần bình quân của các DTTS và gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước).

Rào cản nội tại

Nỗ lực giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em DTTS đang gặp những thách thức và rào cản lớn đến từ chính nội tại cộng đồng DTTS. Đó chính là tình trạng tảo hôn, tập quán chăm sóc trẻ sơ sinh lạc hậu, điều kiện vệ sinh, nước sinh hoạt không đảm bảo, tai nạn thương tích... Nguyên nhân đầu tiên khiến cho tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở vùng DTTS cao là tình trạng tảo hôn.

Các nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng, kết hôn sớm, sinh con khi người phụ nữ chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm, sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu... Trong khi đó, tình trạng tảo hôn ở vùng DTTS là hơn 26%. Một số DTTS có tỉ lệ tảo hôn rất cao như Ơ Đu 72,73%, Mông 59,6%, Xinh Mun 56,34%, La Ha gần 53%, Rơ Măm 50% và Brâu 50%. Có 13 DTTS có tỉ lệ tảo hôn từ 40% đến 50%.

Các tập quán chăm sóc lạc hậu của người DTTS với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai như sinh con tại nhà, bên bìa rừng, cắt rốn bằng cật nứa, tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước lạnh... cũng góp phần không nhỏ vào tỉ lệ tử vong cao của trẻ em. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho biết: Hiện nay, phụ nữ của 11 DTTS được khám thai tại cơ sở y tế còn rất thấp như: La Hủ (11%), Hà Nhì (25,4%), Si La (25%), La Ha (31,9%), Mảng (34,9%)... Đặc biệt là tập tục sinh con tại nhà do tập quán lạc hậu hoặc xa cơ sở y tế ở 6 dân tộc (La Hủ, Si La, La Ha, Lự, Mảng, Hà Nhì) còn rất cao, trên 80%. Trong đó, dân tộc La Hủ có 95,5% phụ nữ sinh con tại nhà. 18 DTTS khác có tỉ lệ sinh con tại nhà chiếm từ 40-80%.

Ngoài ra, trẻ được sinh ra từ các cặp hôn nhận cận huyết có nguy cơ rất cao mắc các dị tật bẩm sinh như down, thiểu năng trí tuệ, tan máu bẩm sinh... Phân tích số liệu tử vong trẻ em DTTS cho thấy, mối quan hệ giữa tử vong trẻ em dưới 5 tuổi với hôn nhân cận huyết đặc biệt đúng ở dân tộc có tỉ lệ hôn nhân cận huyết rất cao là dân tộc Mảng (44 phần nghìn). Đây cũng là một trong những dân tộc có tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi cao nhất, cứ 1.000 trẻ sinh ra có đến 45 trẻ tử vong trước khi được 1 tuổi...

Những số liệu và dẫn chứng trên cho thấy rào cản của việc giảm tỉ lệ tử vong trẻ em là rất lớn, khiến cho việc thực hiện SDGs khó cán đích đúng hẹn.

Cần các biện pháp đồng bộ và toàn diện

Các kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa tỉ suất chết ở trẻ và các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa của các nhóm DTTS. Cụ thể, các DTTS có thu nhập cao và tỉ lệ nghèo thấp thì có tỉ suất tử vong trẻ thấp và ngược lại. Việc sinh con tại cơ sở y tế làm giảm rõ rệt tỉ lệ tử vong trẻ em. Các DTTS có khoảng cách đến trung tâm y tế càng xa thì càng có tỉ suất tử vong ở trẻ em cao. Điều này cho thấy, để giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em DTTS cần các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm cả cải thiện sinh kế, thu nhập của hộ gia đình, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là đường xá giao thông, trung tâm y tế và trường học.

Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động đến tử vong trẻ em DTTS, Viện Nghiên cứu phát triển Mekong cho rằng, biện pháp đầu tiên cần tính đến là nâng cao nhận thức về kết hôn, sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong đó, phụ nữ DTTS cần được giáo dục, tác động mạnh mẽ đầu tiên để cải thiện vấn đề tử vong ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, cần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, ưu tiên vùng khó khăn, vùng dân tộc bị chia cắt, cải thiện các điều kiện vệ sinh, nước sinh hoạt... Song song với đó, cần tăng cường, bổ sung lực lượng Cô đỡ thôn bản. Thực tế, mô hình Cô đỡ thôn bản được triển khai và nhân rộng trong thời gian qua cho thấy tính hiệu quả của sáng kiến y tế cộng đồng này. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác chuyển tuyến sơ sinh và trẻ em.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO