Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

“Kho báu sống” của dân tộc Sán Chỉ

Biên phòng - Lặng lẽ giữa đời thường, hơn 30 năm qua, nghệ nhân Lỷ A Sáng, thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh miệt mài với công việc bảo tồn, gìn giữ những điệu múa, hát và văn tự cổ (bằng chữ Nôm) của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Ông tâm niệm, việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật của đồng bào phải bằng cái tâm của những người yêu mến nó.

w6fp_18
Ông Lỷ A Sáng (giữa) thực hiện nghi lễ cúng thần rừng. Ảnh: Long Vũ

Độc đáo trong nghi lễ của người Sán Chỉ

Trong số 22 dân tộc ở Quảng Ninh thì tới 6 dân tộc có số dân đông nhất là Kinh, Dao, Tày, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ. Các dân tộc này phân bố ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố. Mỗi dân tộc có những nét đặc sắc riêng, như lễ hội Đại Phan của dân tộc Sán Dìu (thành phố Cẩm Phả); lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Hoa (Móng Cái); lễ hội Cầu mùa của người Dao (Hoành Bồ)... Trong đó, độc đáo nhất là nghi lễ cúng các vị thần rừng, thần núi của người Sán Chỉ, ở huyện Tiên Yên. Trong đời sống tâm linh của người dân tộc Sán Chỉ ở Tiên Yên, họ rất coi trọng các lễ cúng, các vật tổ. Người Sán Chỉ quan niệm, các vị thần luôn bảo trợ, che chở họ mọi lúc, mọi nơi. Gắn liền với các phong tục đó là niềm tin tín ngưỡng, tin vào các vị thần.

Để tìm hiểu kĩ hơn các nét độc đáo trong nghi lễ của người Sán Chỉ, chúng tôi tìm đến nghệ nhân Lỷ A Sáng – “kho báu sống” của người Sán Chỉ ở huyện Tiên Yên. Sinh trưởng trong gia đình có ông và bố đều là thầy cúng người dân tộc Sán Chỉ. Từ nhỏ, ông Sáng đã được thừa hưởng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào mình.

Ông Sáng kể: “Ngày bé, tôi được theo bố và ông nội đi cúng. Những bài cúng của người Sán Chỉ giàu tri thức văn hóa lắm! Các bài cúng đều diễn tả cảnh sinh hoạt, tín ngưỡng cổ của đồng bào. Trước khi cúng, người thầy cả và các thầy phụ phải tuyệt đối “kiêng kị” với phụ nữ, phải chuẩn bị nhiều vật dụng cần thiết như quần áo, các bức tranh, nến, các loại mặt nạ, các loại nhạc cu, để việc cúng được chu toàn”.

Từ những lần đi cúng như vậy, ông Sáng như được “tiếp sức” về nghệ thuật, về văn hóa của chính dân tộc mình. Đồng bào dân tộc Sán Chỉ rất coi trọng việc cúng bái, họ cho rằng, khi cúng bái các vị thần núi, thần rừng, họ sẽ được các vị thần che chở, bảo hộ. Họ tôn thờ thần rừng và những vị thần coi giữ việc nông nghiệp, vì thế, cúng bái trong những ngày mùa màng, hay những dịp lễ, Tết là việc làm bắt buộc. Cùng với việc cúng bái đó, các điệu múa, hát cũng được diễn ra.

Ông Sáng cho biết thêm: “Ở Đại Dực, cũng như một số nơi ở tỉnh Quảng Ninh, người Sán Chỉ thường sống tập trung trên các dãy núi hay quây quần ở các khe núi, gần các con suối nhỏ. Chính cuộc sống gần gũi nơi rừng núi hay các khe nước khiến người Sán Chỉ coi các vị thần núi, thần sông, suối là người bảo trợ họ. Tháng 3 và tháng 10 âm lịch là những tháng, người Sán Chỉ thường cúng các vị thần rừng, núi và suối”.

Việc cúng bái chủ yếu do các cụ cao niên hay các thầy lớn, thầy phụ trong bản đảm nhiệm. Đầu tiên, các thầy cúng sẽ lên “thăm, kiểm tra” một tảng núi, hay một ngọn núi cao to, linh thiêng của đồng bào. Tiếp đó, các ông thầy cả như ông Sáng sẽ mời các vị thần núi về một nơi mà dân bản đã chuẩn bị sẵn để dự lễ cúng của đồng bào. Chỗ để cúng thần là một bãi đất bằng phẳng, rộng, gần các ngọn núi cao. Họ sẽ dựng một ngôi nhà bằng rơm, lá tre, trong nhà nhất thiết phải treo các bức tranh cúng của đồng bào dân tộc.

Bên cạnh các lễ cúng là các điệu múa, hát cổ của đồng bào người Sán Chỉ. Việc cúng bái kết hợp với các nghi thức  múa, hát  là rất cần thiết. Ông Sáng ví dụ: Lễ cúng các vị thần rừng, thầy cả sẽ tập hợp các thầy phụ, cùng nhảy múa, mừng các vị thần về chứng giám cho tấm lòng của dân làng. Những bài hát, chủ yếu về chúc tụng, hay cảm ơn các vị thần một năm đã bảo vệ che chở cho dân làng, làm ăn mùa màng bội thu được cất lên. Còn khi cúng “phát quang” để các vị thần nhập vào các bức tranh cũng có màn hát xướng.

Bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Năm 2014, trước tình cảnh nhiều thanh niên trong bản quên cái chữ và quên bản sắc của dân tộc, ông Sáng đã thành lập câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân tộc xã Đại Dực. Đến nay, CLB đã có 18 người, được ông Sáng truyền dạy thường xuyên. Không kể nắng, mưa, ông Sáng vẫn đến Nhà văn hóa thôn Phải Giác vào thứ Bảy, Chủ nhật để truyền dạy các bài cúng, các điệu múa, hát của đồng bào mình cho thế hệ trẻ. Với ông, thành quả lớn nhất của mình đó là nhìn thấy dân bản ai cũng có cái ăn, cái mặc và đặc biệt hơn cả là các làn điệu múa, hát các bài cúng của đồng bào mình được gìn giữ, bảo tồn.

Hiện nay, ngoài việc truyền dạy các bài cúng, các làn điệu  múa, hát cổ của đồng bào mình, ông Sáng còn miệt mài, nhiệt tình truyền dạy chữ cổ của đồng bào Sán Chỉ. Anh Lý A Sinh, thôn Phải Giác, một học viên trong CLB múa, hát cổ của xã, cho biết: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi được ông Sáng truyền dạy các điệu múa, hát cổ của người Sán Chỉ. Được học các bài cúng, điệu múa, hát này, tôi hiểu hơn về nét văn hóa của dân tộc Sán Chỉ. Qua đó, tôi càng tự hào và yêu quý dân tộc mình hơn”.

Cũng theo ông Sáng, chữ của người Sán Chỉ thuộc hệ chữ Nôm, văn tự cổ của đồng bào Sán Chỉ được truyền cho các thầy cúng, các thầy phụ trong việc thực hiện các nghi lễ cúng bái. Việc gìn giữ các phong tục ở đây phần lớn do ông Sáng và các thầy phụ đảm nhiệm. Năm 2015, ông Sáng được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú, do các đóng góp quan trọng của mình đối với nền văn hóa dân tộc Sán Chỉ.

Long Vũ

Bình luận

ZALO