Biên phòng - Con đường qua thôn La Lay, xã A Ngo (huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị) dẫn sang nước bạn Lào, uốn khúc ôm theo sườn núi. Núi rừng đen kịt, nhưng lại thấp thoáng một đốm sáng như một vì sao giữa núi rừng trùng điệp, đó là Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được nhân dân trong xã háo hức triển khai.
|
Tuyên truyền phát động xây dựng nông thôn mới ở La Lay. Ảnh: Văn Chương |
Tại miền rừng núi nơi biên viễn La Lay, nông thôn mới được bắt đầu từ việc "đưa tí phố lên rừng". Đã bao đời nay, mặt trời đi ngủ thì cả thôn La Lay ẩn vào trong núi rừng, bảng lảng sương núi lạnh giá. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới ở vùng biên viễn xa xôi này, cán bộ Đồn BP La Lay luôn đặt ra những nội dung cụ thể sát với tình hình thực tế.
Thiếu tá Trần Ngọc Quang, Đội phó Đội vận động quần chúng được cấp ủy, chi bộ phân công về sinh hoạt tại chi bộ thôn, cũng đề xuất nhiều ý kiến trong cuộc họp chi bộ để nông thôn mới được về với La Lay. Thế nhưng, nông thôn mới là gì, đồng bào cũng không nhớ hết các tiêu chí. Trước mắt đặt ra, đó là "cơm no, áo ấm, ánh sáng cho làng, chữ cho con, cháu".
Nếu ở gần trung tâm phố thị, xây dựng nông thôn mới thường được thực hiện bằng việc cả làng tập trung mở những con đường, xây dựng một công viên nho nhỏ, trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan môi trường. Còn ở miền biên viễn xa xôi này, cây rừng bạt ngàn, chỉ thiếu ánh sáng về đêm. Vậy là, 50 bóng đèn được Trạm kiểm soát Biên phòng hỗ trợ tiền điện hằng tháng đã được thắp sáng dọc đường.
Có "ông mặt trời" đêm rồi, BĐBP tiếp tục khởi xướng công trình nước sạch. "Bà con mua bồn về trữ nước, nước được lắng lọc thì nấu ăn mới sạch sẽ, không bị mắc bệnh" - Cán bộ Quang làm công tác vận động quần chúng đã thuyết phục bà con trong một cuộc họp. Có người nghe vậy thì bảo: "Thì ra nông thôn mới là ăn sạch để phòng bệnh". Trong một cuộc họp khác, cán bộ Biên phòng lại tiếp tục "đề nghị bà con mua bàn hoặc đóng bàn cho con em ngồi học". Vậy là nhiều nhà lần lượt đóng bàn cho các em học bài.
Có ánh sáng rồi, Bộ đội Biên phòng tiếp tục hướng đến giúp đỡ những người nghèo khó. Cả làng khởi đầu chủ trương này bằng việc đến giúp gia đình ông Hồ Văn Linh. Ông Linh sinh năm 1941, bị mù lòa, sống cô độc, suốt ngày nghễnh ngãng. Nhìn ông, ai cũng cảm thấy bùi ngùi về một kiếp người.
Buổi sáng hôm đó, cả làng kéo đến dựng nhà cho ông Linh. Đồn Biên phòng cho tôn, xi măng, đồng bào tổ chức đi chặt tre, đan nứa, làm vách. Cán bộ Quang chạy tới chạy lui mua dây kẽm, vật liệu làm nhà. Đoàn Thanh niên có mặt đông đủ từ sớm, tạo ra không khí vui nhộn. Thế rồi, ngôi nhà được dựng lên ấm cúng. Xung quanh nhà được bao bọc hàng rào. Ông Linh tật nguyền sờ soạng khắp nhà, khuôn mặt đầy vui tươi.
Ngày bàn giao nhà, dân làng kéo đến chia sẻ niềm vui với ông Linh. Trạm kiểm soát Biên phòng kêu gọi anh em công chức trên địa bàn đến giúp đỡ. Chi cục Hải quan tặng quạt điện, chiếu; kiểm dịch y tế tặng xô, chậu, bát chén... Để giúp đỡ ông Linh, Chi đoàn thanh niên của thôn phân công người hằng ngày đến gánh nước đổ vào chum.
Thượng úy Đặng Trung Thành, Trạm phó Trạm kiểm soát cửa khẩu La Lay cho biết, hiện nay, Trạm thường xuyên đứng ra đỡ đầu cho các gia đình khó khăn trong bản. Khi đi khảo sát, anh em đã lựa chọn 7 gia đình tại địa phương và 3 gia đình đang sống bên Lào để đưa vào diện hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên 10kg gạo và 500.000 đồng. Năm 2013, Trạm kiểm soát Biên phòng đã hỗ trợ cho các gia đình khó khăn gần 1 tấn gạo, 300kg muối.
Bên cạnh đó, đồn Biên phòng còn giúp bà con giống cà phê, ngô, tràm, sắn... để trồng cấy cải thiện cuộc sống. 3 cháu Hồ Thị Thủy, Hồ Thị Thơn và Hồ Văn Quý là học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, Trạm kiểm soát Biên phòng đã nhận đỡ đầu các cháu cho đến khi tốt nghiệp phổ thông Trung học.
Ở địa phương này, nhân dân hai bên biên giới luôn gắn bó keo sơn, đoàn kết, hữu nghị. Gia đình ông Huỳnh Thới bên Lào bị hỏa hoạn, vậy là 70 người dân trong bản sang giúp làm nhà. Ông Hồ Văn Môn mang tặng 50kg gạo, ông Hồ Quyên cho cái cào cỏ, còn ông Hồ Văn Thủy, Trưởng thôn và nhiều người qua giúp công, cho dao rựa, nồi, chậu, bếp...
Trong thôn La Lay hiện đã thành lập 6 mô hình liên kết chăn nuôi. "Nông thôn mới thì phải nhiều dê, trâu, bò" - Một người dân cho biết. Trong 6 mô hình kinh tế thì có 3 mô hình chăn nuôi và 3 mô hình trồng rừng. Gia đình ông Hồ Văn Reo liên kết với 10 hộ khác tổ chức chăn nuôi, các gia đình cứ 2 ngày lại thay nhau lên rẫy trông coi đàn gia súc.
Đó là một trong những nhóm liên kết chăn nuôi ở La Lay cho kết quả tốt. Mô hình này đã phát triển được 22 con trâu bò, 28 con dê. Ông Côn Sơn nuôi 2 con bò mẹ, 2 con trâu và 5 con dê. Số tiền vay 20 triệu đồng được ông Sơn trả hết, số tiền lãi trước mắt khoảng 40 triệu đồng. Theo cán bộ Biên phòng, mô hình này sẽ được mở rộng để thực hiện nông thôn mới.
Dù là địa phương miền núi, nhưng thôn A Ngo đã có hẳn 2 trường mẫu giáo cho con em học hành. Ông Trưởng thôn Hồ Văn Thủy đã 2 lần tự nguyện hiến đất trị giá 300 triệu đồng, để xây dựng trường mẫu giáo cho con em vùng biên, góp phần thực hiện nội dung nông thôn mới. "Nhà mình nghèo nhưng con cháu không thể thiếu cái chữ" - Ông Thủy nói thật cái bụng của mình.