Biên phòng - Phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều trí thức trẻ (TTT) tham gia Dự án thí điểm "Tuyển chọn 600 TTT ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo" (gọi tắt là Dự án 600) đã rời xa gia đình, nhận nhiệm vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Qua gần 5 năm thực hiện nhiệm vụ, 31 đội viên thuộc dự án về làm Phó Chủ tịch (PCT) UBND xã thuộc 5 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên gồm Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Nậm Pồ và Mường Ảng, với mục tiêu đúng đắn "vì mình, vì cộng đồng" đã "xắn tay" lo toan cùng đồng bào và làm nên thành quả đầy ý nghĩa...

Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu
Những ngày đầu xuân Đinh Dậu, tại Ngối Cáy (huyện Mường Ảng), một trong những xã nghèo và xa xôi nhất tỉnh Điện Biên, PCT UBND xã Lò Văn Quân đang miệt mài bám bản cùng người dân bản Ngối phát triển mô hình nuôi cá thương phẩm. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc chuyên ngành Sư phạm lịch sử, Quân dự tuyển và đủ điệu kiện tham gia Dự án 600 PCT xã và tháng 7-2012, bắt đầu giữ cương vị PCT UBND xã, được giao phụ trách tham mưu cho Chủ tịch UBND xã mảng công việc văn hóa-xã hội, y tế-giáo dục, quốc phòng-an ninh.
Sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Ẳng Cang thuộc huyện Mường Ảng, người thanh niên dân tộc Thái này hiểu rõ điều kiện khó khăn, vất vả của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa. Với một xã vùng cao, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (ở mức 57,7% vào thời điểm cuối năm 2012), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn chiếm tỷ lệ lớn, các tệ nạn xã hội như ma túy, di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp, PCT Lò Văn Quân xác định, để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao cuộc sống cho người dân đòi hỏi lãnh đạo xã phải thường xuyên gần dân, sát dân hơn. Hiểu điều này, ngoài công tác quản lý, anh luôn trực tiếp xuống các bản làng, thôn xóm, nghiên cứu thực tế để hỗ trợ đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Lò Văn Quân nhớ lại, ngày thứ hai công tác ở xã Ngối Cáy, anh đi cùng một cán bộ xã lên bản Nậm Cứm vận động đồng bào cùng chung tay xây dựng lớp học mầm non. Tới nơi sau khi vượt hơn 6km đường đèo, người đầu tiên anh gặp là một người phụ nữ đang mang bầu tầm 5-6 tháng, là vợ của Trưởng bản Mùa A Lầu. Nhìn người phụ nữ, Quân đoán chắc cũng lớn tuổi, nhưng sau khi hỏi ra mới giật mình vì chị sinh năm 1989, nghĩa là mới 21 tuổi. Hỏi thêm câu nữa: "Có bao nhiêu con rồi?" thì vị tân PCT xã nhận được câu trả lời: "Mình đã có 4 con, đứa đang mang thai là thứ 5".
"Ngay từ lúc đó, tôi đã hình dung về tình trạng tảo hôn tại bản Nậm Cứm và qua tìm hiểu sau đó, được biết, bản có 49 hộ với 315 khẩu, 100% là hộ nghèo, có tới 35 hộ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên. Từ thời điểm ấy, tôi bắt đầu nghĩ về kế hoạch trước mắt mình sẽ phải làm những gì để có thể vận động đồng bào DTTS nơi đây thay đổi tập tục sinh nhiều, đẻ lắm; làm theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước..." - Lò Văn Quân tâm sự.
Sau những ngày đầu tiên làm quen với cương vị mới đầy lạ lẫm, tân PCT xã Lò Văn Quân bắt đầu ổn định công việc của mình. Bằng phương pháp, mục tiêu tự đặt ra cho bản thân là: "Để thành công trong một việc cần sự ủng hộ của cả tập thể và không thể thiếu một chất xúc tác đó là thời gian". Hàng tuần, Quân cùng với cán bộ trong xã họp bàn, tìm hướng kiên trì tuyên truyền, vận động đồng bào trên địa bàn tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bài trừ hủ tục trong hôn nhân, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa.
Bên cạnh đó, việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống, phát triển sản xuất, công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai cũng được Quân tích cực tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã. Ngoài ra, các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng công trình dân sinh như mô hình nuôi cá tại bản Ngối, làm đường giao thông nội bản tại bản Co Cọ, bản Nong... cũng được Quân sát sao theo dõi, chỉ đạo thực hiện.
Sự nỗ lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý, chỉ đạo của PCT xã Lò Văn Quân đã góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của xã Ngối Cáy. Từ một xã "nhiều không" về cơ sở hạ tầng, đến nay, xã đã có đường ô tô đến 9/9 bản, 7/9 bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Cùng với đó, nhiều điểm trường trên địa bàn được xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào DTTS trên địa bàn có điều kiện học tập thuận lợi...

Ngày càng dạn dày với nắng mưa núi rừng
Trái với lo lắng ban đầu của nhiều địa phương khi tiếp nhận TTT về làm việc, đến nay, các đội viên thuộc Dự án 600 về công tác 5 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên đã chứng tỏ được năng lực, tạo niềm tin với lãnh đạo cũng như đồng bào DTTS trên địa bàn. Và những cán bộ trẻ như PCT xã Ngối Cáy Lò Văn Quân đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS trong việc phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống, mà kết quả điển hình là việc vận động đồng bào đóng góp tiền của, công sức, hiến đất để triển khai các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Ngối Cáy...
Theo đánh giá của Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, sau gần 5 năm thực hiện, 100% các TTT là đội viên Dự án 600 đều hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 5 đội viên hoàn thành xuất sắc và 22 người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hầu hết các TTT đã nắm bắt được công việc, tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã chỉ đạo, điều hành các công việc thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; nhiệt tình trong công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Theo từng lĩnh vực được phân công phụ trách, họ chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ở cơ sở và đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, xã hội ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Không chỉ có PCT UBND xã Ngối Cáy Lò Văn Quân, nhiều gương mặt khác như Bạc Cầm Nga, PCT UBND xã Na Son (huyện Điện Biên Đông); Nguyễn Văn Quân, PCT UBND xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé)... cũng tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới phương pháp canh tác, xây dựng các mô hình sản xuất hộ gia đình với các loại giống cây, con mới mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Theo đánh giá của UBND huyện Mường Ảng - địa bàn hiện có 7/10 xã có TTT đang làm nhiệm vụ trên cương vị PCT xã, bản thân các TTT ai cũng gặp những khó khăn nhất định, nhưng khó khăn ở cơ sở chính là phép thử trí tuệ, nhiệt huyết và sức trẻ của họ. Kết quả công tác của các TTT được xem là rất khả quan khi 6/7 đội viên đã được quy hoạch các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và phó, trưởng các phòng, ban chuyên môn cấp huyện (hiện có 2 người là đại biểu HĐND huyện, 3 người được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, trong đó có một người là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã). Có thể nói, với một đề án thí điểm thì như vậy là thành công đáng ghi nhận.
Điều này càng được khẳng định khi ở vùng khó khăn như Mường Ảng hiện nay, tỷ lệ cán bộ cấp xã có trình độ đại học rất hiếm. Qua thời gian "thử lửa" ở địa bàn, ngày càng dạn dày với nắng mưa núi rừng, các TTT đã thành thạo công việc, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và họ chính là cơ hội tốt để chọn nguồn cán bộ cho cơ sở.
Lê Vân