Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 12:29 GMT+7

Khi phụ nữ Cơ Tu bước qua “ranh giới”

Biên phòng - Thay vì lấy chồng sớm như các mẹ, các chị, nhiều cô gái ở xã vùng cao biên giới Ga Ry (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã chọn con đường học tập. Với tính cách tự tin, quyết đoán, không ít người trở về bản làng, đảm nhiệm công việc trước nay vốn mặc định chỉ dành cho đàn ông.

Nữ trưởng thôn Đinh Thị Mới (thứ 2 từ phải sang) duy trì buổi họp của thôn G’lao. Ảnh: Trúc Hà

Chủ tịch UBND xã Ga Ry, ông Zơ Râm Nhưng cho biết: “Tuy là xã vùng cao biên giới, nhưng số lượng thanh niên ở đây tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp không ít. Tính riêng cán bộ thôn, hiện nay, chỉ có 2/25 chức danh ở 5 thôn trong xã có trình độ văn hóa 12/12, số còn lại đều đã qua các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt, không chỉ nam mà các nữ thanh niên cũng theo học lên cao hơn. Phụ nữ Cơ Tu giờ đã khác. Họ về xuôi học, ra ngoài xã hội va chạm nên rất bản lĩnh. Những việc làm vốn trước nay chỉ có đàn ông đảm nhiệm như trưởng thôn, thậm chí là cả công an viên, nhưng giờ phụ nữ có thể đảm nhiệm rất tốt”.

Điển hình cho lời nói của Chủ tịch Zơ Râm Nhưng, đó là thôn G’lao, một thôn giáp biên giới Việt Nam - Lào. Thôn G’lao có 6 cán bộ thôn thì có tới 4 phụ nữ, đó là Trưởng thôn Đinh thị Mới, cán bộ MTTQ Pơ Loong Thị Mêê, chị Ta Ngol Thị Khái là Chi hội trưởng Hội Nông dân, chị Zơ Râm Thị Chiêh là Chi hội trưởng phụ nữ. Điều đặc biệt hơn là các cán bộ nữ đều tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp, như chị Mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế Quảng Nam, chị Mêê, chị Khái cùng tốt nghiệp Trung cấp văn hóa, nghệ thuật du lịch Quảng Nam.

Những năm qua, thôn G’lao luôn là thôn dẫn đầu trong xã về phát triển diện tích lứa nước và được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam tin tưởng, lựa chọn triển khai mô hình điểm của Câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

Tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, lại nhanh nhẹn, năng nổ với công việc chung của thôn nên chị Pơ Long Thị Nga đã được bầu làm công an viên thôn Za Zing. Những ngày này, chị Pơ Long Thị Nga khá bận rộn. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công an viên không chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại thôn mà còn tham gia tuyên truyền người dân phòng, chống dịch Covid-19. Sắp tới bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, nên sẽ có rất nhiều việc phải làm, bởi vậy mà chị Nga thường xuyên vắng nhà.

Chị chia sẻ: “Khi mới nhận làm công an viên của thôn, tôi cũng e ngại vì trước nay ai cũng nghĩ việc này chỉ dành cho đàn ông. Thế nhưng thực tế, nhiều việc liên quan đến an ninh trật tự, mâu thuẫn giữa người này, người kia, là phụ nữ tôi đứng ra hòa giải sẽ dễ hơn đàn ông”.

Chị Pơ Long Thị Nga không phải là người phụ nữ duy nhất làm công an viên mà thôn Pứt cũng có nữ công an viên là chị Koor Thị Ích. Tuy chỉ tốt nghiệp lớp 12, nhưng chị Ích vẫn được mọi người tín nhiệm vì chị rất nhanh nhẹn, nhiệt tình và gương mẫu. Ngoài ra, chị Ích còn là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Ga Ry. Thời gian qua, chị đã vận động nhiều gia đình trẻ tham gia mô hình trồng đẳng sâm để phát triển kinh tế. Nhờ có liên kết chuỗi và sự hỗ trợ của Hợp tác xã Trường Sơn xanh, đẳng sâm trồng được đảm bảo đầu ra và giá cả nên nhiều gia đình đã từng bước xóa đói, giảm nghèo

Có một điều đặc biệt là nam nữ thanh niên ở Ga Ry hiện nay không còn nghĩ học hành để về quê làm cán bộ, mà còn có tư duy mới, học để có kiến thức làm giàu trên chính quê hương mình. “Xinh đẹp, thông minh và làm kinh tế giỏi” là những điều mà người ta thường nói về chị Koor Thị Nghệ (thôn A Ting). Nhiều người nể phục về ý chí vươn lên của chị vì đang học lớp 12 thì bố mẹ “bắt” chị Nghệ về nhà “lấy chồng”. Chị Nghệ ở nhà vừa nuôi con, vừa buôn bán lấy tiền nuôi chồng học Cao Đẳng sư phạm Quảng Nam. Khi con trai Riah Hữu Ý được 2 tuổi, chị Nghệ mới thi tốt nghiệp Phổ thông trung học.

Năm 2014, anh Riah Niềm tốt nghiệp, đã có thể làm thầy giáo, nhưng vì thương vợ nên quyết định mở quán buôn bán lấy tiền nuôi vợ theo học Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Nam. Khi được hỏi vì sao đã tốt nghiệp nhưng lại không chọn cách trở thành cô giáo như bao sinh viên sư phạm khác, chị Nghệ chia sẻ: “Tôi không nghĩ học để rồi làm cán bộ, mà học để có cơ hội mở mang tầm mắt. Nhờ việc đi học mà tôi biết thêm nhiều điều, biết tính toán cách làm kinh tế gia đình sao cho phù hợp mà hiệu quả”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry và Công an viên Pơ Long Thị Nga (thứ 2 từ trái sang) tuyên truyền người dân không xuất cảnh trái phép để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Trúc Hà

Ở Ga Ry, chị Koor Thị Nghệ là “điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Quán tạp hóa của chị không chỉ phục vụ cho bản A Ting mà còn cho các bản lân cận. Bận bịu với việc bán hàng, nhưng đàn lợn của gia đình chị lúc nào cũng trên dưới chục con. Giống lợn bản địa, chỉ ăn cám ngô, rau rừng nên lúc nào cũng trong tình trạng “cung không đủ cầu”, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Chị bàn với chồng chuyển đổi mục đích diện tích nương của gia đình từ ngô, sắn sang trồng cây ăn quả.

Qua 3 năm, 2ha cam chị trồng đã cho ra lứa quả đầu tiên, 800 cây táo mèo cũng đã bén rễ, lên xanh tốt. Rau xanh, đậu bắp, cà tím được trồng xen canh trong vườn cam, táo mèo lúc nào cũng tươi xanh, mỗi lần chị gửi theo xe về chợ huyện cũng rất đắt hàng. Năm 2019, chị Nghệ là người đứng ra thành lập Câu lạc bộ Nữ Hòa Bình, gồm 10 gia đình ở thôn A Roi và A Ting. Tham gia câu lạc bộ, các cặp vợ chồng chia sẻ, giúp đỡ nhau làm kinh tế, cam kết không sinh con thứ 3 để nuôi dạy con cho tốt. Có thời gian, mọi người lại cùng tập luyện các bài hát, múa của người Cơ Tu như một cách giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Với những gì đã và đang làm, chị Koor Thị Nghệ, Định Thị Mới, Pơ Long Nga... đã trở thành những tấm gương sáng truyền cảm hứng cho phụ nữ ở Ga Ry trong việc vươn lên làm chủ cuộc sống.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO