Biên phòng - Cùng với hoạt động bảo vệ các tuyến biên giới đất liền, trên tuyến biển, đảo, nhân dân cũng hết sức nỗ lực trong việc xây dựng các mô hình, cách làm hay để cùng nhau vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng là những tỉnh đầu tiên khới xướng và tổ chức xây dựng mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản” hiện đang được nhân rộng với nhiều tên gọi, hình thức, cách làm và phát huy hiệu quả ở khu vực biên giới biển.
Bài 1: Khi biên giới trong lòng toàn dân
Bài 2: Những mô hình vì bình yên biên giới, biển đảo
Đầu những năm 2000, làng biển Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu thành lập “Tổ tàu thuyền an toàn” đầu tiên của tỉnh Phú Yên với gần 100 thuyền viên với 9 phương tiện tham gia. Từ làng biển Hòa Lợi, mô hình đã được BĐBP Phú Yên và cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng trên tuyến biển Phú Yên. Đến nay, đã có 113 tổ tàu thuyền an toàn với 8.216 ngư dân với 1.026 phương tiện tham gia. Đồng thời, tiếp tục phát triển thêm những mô hình mới như “Nghiệp đoàn nghề cá”, “Tổ liên kết sản xuất trên biển”...
Sau hàng chục năm, các đơn vị BĐBP tuyến biển đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức thành lập được 1.679 tổ đội tàu thuyền đoàn kết, 923 bến bãi an toàn, 54 đội sản xuất an toàn trên biển. Năm 2014, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Chương trình “Vì những con tàu xa khơi” nhằm động viên các ngư dân vươn khơi bám biển. Từ đó đến nay, mỗi năm, BĐBP các tỉnh, thành tuyến biển lại phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng hàng trăm “tấm lưới nghĩa tình” cho các ngư dân tiêu biểu vững vàng đánh bắt hải sản trên vùng biển chủ quyền.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nhận định, thành công lớn nhất của mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn” là đã tạo được sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó giữa ngư dân với nhau trong khai thác đánh bắt hải sản. Cũng từ mô hình này, ngư dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm và trên vùng biển đảo, không xâm phạm vùng biển các nước khác.
Trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự thôn bản, các phong trào “Tiếng kẻng vùng biên”, “Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh” hay “Giáo xứ không có tệ nạn xã hội và tự quản an ninh trật tự”... được tổ chức rộng khắp trên cả hai tuyến biên giới đất liền và biển đảo. Nhân dân tin yêu BĐBP, tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, cung cấp tin tức phát hiện nhiều tổ chức phản động đang manh nha hoạt động chống đối, phòng chống di dời cột mốc biên giới, chống xâm canh, xâm cư, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Từ những nguồn tin do nhân dân cung cấp và sự ủng hộ, giúp đỡ của bà con, toàn lực lượng đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các đối tượng vi phạm pháp luật trên biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Có được thành tích đó là nhờ có dân và có lòng tin yêu dân của những chiến sĩ Biên phòng.
Ông Lò Văn Nhúng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, ngay khi còn là Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm, ông đã cùng với các chiến sĩ Biên phòng phối hợp hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở và vận động nhân dân đấu tranh tố giác tội phạm, bảo vệ an ninh thôn bản. Nhờ đó, nhiều năm qua, BĐBP Điện Biên đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án ma túy lớn tại địa bàn xã.
Cả cuộc đời gắn bó với biên cương, nên đối với nhiều gia đình, biên giới chính là thửa ruộng, ngôi nhà thân thương của mình, là tài sản vô giá mà cha ông truyền lại. Nhân dân tình nguyện tham gia đấu tranh bảo vệ từng tấc đất biên giới, giúp đỡ BĐBP cùng các cơ quan chức năng xác định các dấu mốc thực địa trên đường biên. Đồng thời, sẵn sàng hiến tặng cho đất nước hàng trăm, hàng ngàn mét đất để xây dựng cột mốc biên giới ngay trên sân nhà mình.
Có thể nói, những hoạt động thực tiễn từ phong trào quần chúng trên các tuyến biên giới, biển đảo và kết quả tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới của BĐBP đã trở thành cơ sở thực tiễn để Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".
Trên tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13-8-2015, Bộ Quốc phòng đã ban hành Hướng dẫn số 7210/HD-BQP nhằm tạo ra phong trào sâu rộng trên cả nước trong tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển. Trong đó, nêu rõ, Bộ Tư lệnh BĐBP là cơ quan thường trực giúp Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị. Ngay sau khi ban hành, chỉ thị đã nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân với tinh thần tất cả vì chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thể hiện sự đồng thuận cao giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Ông Lê Xuân Thân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa khẳng định rằng, Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng đã thực sự tạo những chuyển biến quan trọng trong huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và nhân dân vào hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. Là tỉnh có huyện đảo Trường Sa nơi đầu sóng, ngọn gió, hằng năm, tỉnh Khánh Hòa cùng các ngành chức năng đã đầu tư nhiều hoạt động trọng điểm cho huyện đảo như âu tàu tránh trú bão, khu hậu cần nghề cá tại các đảo trong quần đảo Trường Sa, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các đội tàu thuyền đoàn kết trên biển. Điều đó đã mang lại nhiều thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân, phòng tránh được thiên tai, bão biển, giúp ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi làm chủ vùng biển quê hương.
Có thể thấy rằng, hơn 59 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” để cùng với nhân dân xây dựng nên một thế trận trận biên phòng toàn dân vững vàng nơi phên giậu. Gần 3 thập kỷ qua, “Ngày Biên phòng toàn dân” đã trở thành ngày cả nước hướng về biên giới, khích lệ nhân dân tham gia bảo vệ lãnh thổ, xây dựng biên cương giàu đẹp, góp phần tiếp tục phát huy giá trị tư tưởng “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới đất nước.
Phạm Vân Anh