Biên phòng - Với phương châm “Ở đâu có đường biên, cột mốc, ngư trường, bến bãi…, ở đó có nhân dân tham gia bảo vệ”, một loạt các phong trào, mô hình phong phú như “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Tổ, đội tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Tiếng kẻng vùng biên”, “Trồng rừng vành đai biên giới”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... đã được BĐBP tổ chức thực hiện và có sức sống qua nhiều thập kỷ. Từ hiệu quả của các phong trào, vai trò của nhân dân càng được khẳng định, đây chính là sức mạnh tiềm tàng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Bài 1: Khi biên giới trong lòng toàn dân
Đối với QĐND Việt Nam nói chung và BĐBP nói riêng, được sinh ra từ nhân dân, trưởng thành trong nhân dân và vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh là một vinh dự lớn lao, một tài sản vô giá đã được tích lũy và đúc rút qua 75 năm chiến đấu và trưởng thành dưới cờ Đảng vẻ vang. Trong chiến tranh, nhân dân cùng bộ đội vượt qua bom đạn, cùng chia lửa để chiến thắng quân thù. Trong hòa bình, vai trò của nhân dân càng được đề cao thông qua các phong trào trên khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trở thành sức mạnh tổng hợp, tạo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Chúng tôi được giới thiệu tiếp cận với những hiện vật giản dị có tuổi đời hàng chục năm đang được được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Biên phòng ngày nay về chủ đề toàn dân bảo vệ đường biên, cột mốc. Chiếc áo cóm với hàng cúc bạc, con dao phát cỏ, tập bài dự thi nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân..., đằng sau những trang giấy ố vàng, sợi vải sờn cũ hay lưỡi dao sứt mẻ ấy là biết bao câu chuyện về tình nghĩa quân dân cũng như tấm lòng của đồng bào các dân tộc trên biên giới đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, khẳng định công cuộc biên phòng trải ngàn năm lịch sử và sự nghiệp biên phòng đương đại luôn có nhân dân là cội nguồn sức mạnh.
Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị BĐBP kể lại: Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, năm 1989, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT, lấy ngày 3-3 hằng năm là “Ngày Biên phòng”. Công tác tổ chức “Ngày Biên phòng” được tiến hành trong cả nước, nhưng thường xuyên và trực tiếp là trên các tuyến biên giới với sự tham gia của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo và các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hoạt động trên biên giới.
Thiết thực thực hiện Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ, năm 1991, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết Nghị quyết liên tịch với BĐBP về “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo" với một loạt các phong trào “Áo ấm chiến sĩ”, “Phía sau chăm lo cho phía trước” đã được thực hiện sâu rộng trong cả nước.
Năm 1992, Hội Nông dân Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn cán bộ, hội viên trong hội nâng cao tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết với BĐBP chương trình phối hợp “Phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ” ở các xã biên giới, hải đảo. Năm 1993, UBND các tỉnh biên giới, bờ biển tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân về truyền thống đoàn kết, đấu tranh xây dựng và bảo vệ biên giới; Bộ Văn hóa, Thông tin triển khai chương trình phối hợp “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số biên giới” giai đoạn 1993 - 2000.
Trong không khí sôi nổi cả nước hướng về biên giới, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi “Ngày Biên phòng”, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị cơ sở đẩy mạnh công tác xây dựng phòng tuyến nhân dân làm chủ biên giới và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Năm 1995, lần lượt các tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn tổ chức thực hiện “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, An Giang tổ chức phong trào “Thanh niên xung kích bảo vệ biên giới”; Nam Định, Thái Bình với phong trào “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”... Các phong trào đã thể hiện rõ “ý Đảng, lòng dân”, khơi dậy truyền thống giữ nước, ý thức bảo vệ cương thổ quốc gia và tinh thần làm chủ biên giới của nhân dân.
Xã Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng hôm nay đang khởi sắc với dáng dấp của một khu kinh tế cửa khẩu năng động, giàu tiềm năng của một miền biên ải phía Bắc. Người dân nơi đây luôn tự hào là một trong những xã biên giới đầu tiên khởi phát mô hình “Già làng, trưởng bản bảo vệ đường biên, cột mốc”. Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP, nguyên Đồn phó Chính trị Đồn Biên phòng Tà Lùng là người từng tham gia tích cực công tác vận động quần chúng tham gia phong trào “Già làng, trưởng bản bảo vệ biên giới” cho biết, mô hình của Tà Lùng sau đó được nhân rộng ra toàn tỉnh Cao Bằng. Đến nay, toàn bộ hệ thống 333,125km đường biên, với 634 mốc quốc giới ở Cao Bằng được 5.658 hộ dân ký cam kết tự quản. Điều ý nghĩa nhất là người dân nơi đây cho rằng bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của họ.
Cũng giống như xã Tà Lùng, người dân xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cũng hết sức tự hào khi hai cụ già suốt 25 năm qua đã đảm nhận trông coi hai cột mốc biên giới trên đỉnh núi Pù Đứa, là nơi phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu với bản Phiềng Khạy thuộc cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Người dân nơi đây thường gọi cụ Lâu Văn Hự ở bản Pù Đứa và cụ Phàn Định Xiết ở bản Suối Tút là những “già làng cột mốc” hay “đại thụ vùng biên” vì các cụ đều đã ngoài 80 tuổi. Giờ đây, khi đôi chân đã mỏi, đôi mắt đã mờ không thể leo đèo vượt suối, hai cụ đã truyền lại cho các con tiếp tục thay cha bảo vệ đường biên, cột mốc, xây dựng tình đoàn kết trong thôn bản cũng như tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.
Sau 24 năm kể từ khi phong trào được phát động, những “già làng cột mốc” như cụ Xiết, cụ Hự càng nhiều thêm và có thêm hàng ngàn thanh niên, phụ nữ tiếp nối nhiệm vụ thiêng liêng ấy như mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới”, “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, “Đội dân quân tự vệ biển”... Trên biên giới hôm nay, hoạt động hiệu quả và trách nhiệm của 1.466 tổ tự quản, 40.499 hộ dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và 7.947 tổ tự quản an ninh trật tự đã và đang tạo nên một “lá chắn thép” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nông thôn mới và điểm sáng văn hóa vùng biên.
Bài 2: Những mô hình vì bình yên biên giới, biển đảo
Phạm Vân Anh