Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Khi người dân là chủ thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Biên phòng - Mỗi tháng hai lần, ông Phạm Văn Thỏa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng lại chủ trì sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật của xã. Hầu hết các thành viên của Câu lạc bộ đều là những nông dân hoạt động tích cực trong mọi mặt công tác tại cơ sở, có uy tín đối với bà con nhân dân và đã được tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng hoạt động. Từ ngày thành lập đến nay (tháng 9-2019), các thành viên của Câu lạc bộ đã hòa giải thành công nhiều vụ việc xích mích của các hộ dân trong xã, gắn kết tình làng nghĩa xóm nơi đầu sóng ngọn gió này.

Đội công tác quần chúng Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Đức Hải

Đến nay, thành phố Hải Phòng đã xây dựng được 45 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật ở cấp quận, huyện, 29 Tổ tư vấn pháp luật ở cấp xã, phường, thị trấn và 94 mô hình dân vận khéo của Hội Cựu chiến binh và một số mô hình dân vận khéo kết hợp với tư vấn pháp luật như “Tổ tàu thuyền tự quản gắn với bến bãi an toàn” của huyện Cát Hải; mô hình “Tổ an ninh cựu chiến binh tuần tra ven biển” của huyện Tiên Lãng; mô hình “Câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường” quận Đồ Sơn; mô hình “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo phương châm hướng về cơ sở” của Sở Tư pháp...

Cũng như Câu lạc bộ nông dân với pháp luật của thành phố Hải Phòng, các Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật của chi đoàn các xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn đã phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tham gia tích cực vào các tổ thông tin truyền thông do đồn Biên phòng phụ trách. Điều đó đã góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, tích cực phòng tránh tệ nạn xã hội cho thế hệ trẻ.

Cũng tại Lạng Sơn, chị em phụ nữ các dân tộc đã cho thấy bản lĩnh và trách nhiệm cộng đồng của mình bằng việc tham gia các mô hình “Phụ nữ biên giới xây dựng mái ấm bình yên”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hay tổ chức diễn đàn “Cha mẹ với công tác quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội”, “Phòng, chống bạo lực gia đình” do Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phát động. Những bông hoa miền quế hồi ấy đã thực sự là trụ cột trong nhiều mặt công tác xã hội, cũng như trong giáo dục con cái, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình, góp phần bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Khi người dân được khuyến khích, động viên để trở thành chủ thể của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, rất dễ dàng nhận thấy những hiệu quả rất tích cực. Các Câu lạc bộ đều xây dựng Quy chế hoạt động và duy trì sinh hoạt theo định kỳ, hoạt động trên cơ sở tự nguyện, không vì lợi nhuận, tuân thủ pháp luật, cùng giúp đỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động văn hóa, thể thao, giúp đỡ nhau các hoạt động liên quan đến pháp lý... Mỗi hội viên Câu lạc bộ đã phát huy vai trò là hạt nhân liên kết, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, tạo động lực thi đua sản xuất, kinh doanh, tuân thủ pháp luật trong hội viên. Thông qua mỗi buổi sinh hoạt, các hội viên nắm bắt được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời.

Cũng chính nhờ vai trò của các cộng tác viên pháp luật cơ sở của Câu lạc bộ pháp luật, mà từ một địa phương luôn xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp diễn ra phức tạp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến đáng phấn khởi. Một loạt các Câu lạc bộ “Phụ nữ không vi phạm pháp luật”, “Thôn không có đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật” đã tỏ ra ưu thế trong tuyên truyền, vận động phụ nữ, người thân, con cái các hộ dân chấp hành nghiêm pháp luật, không nghe, không tin, không làm theo và không tham gia khiếu kiện, vi phạm pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là các đồn Biên phòng trên địa bàn huyện đã dựa vào người có uy tín của các buôn làng để nắm tình hình dư luận, điều tra, xác định rõ bản chất vụ việc; phân loại, nắm chắc đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thời gian, địa điểm các hộ dân tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp để tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời, kết hợp đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu đãi giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.

Tại xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, các Câu lạc bộ pháp luật được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự giác, tự nguyện tham gia của các hội viên, nhằm giao lưu, trao đổi các kiến thức pháp luật, kịp thời giúp hội viên và nhân dân trên địa bàn nâng cao hiểu biết, xây dựng ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật. Nhiều câu lạc bộ pháp luật được củng cố và duy trì hoạt động như: Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, Câu lạc bộ thanh niên nói không với ma túy, Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình...

Chính nhờ vậy, dù chỉ là một xã có diện tích và dân số trung bình, nhưng từ năm 2017 đến nay, các Câu lạc bộ đã tổ chức phối hợp tuyên truyền được 453 cuộc có 15.855 lượt người tham dự. Ngoài ra, xã còn có 4 Tổ hòa giải cơ sở với 20 thành viên, thành phần gồm cán bộ địa phương, Công an, BĐBP và những người có uy tín tại địa phương. Các Tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận và hòa giải thành công 93 vụ việc thưa kiện, số lượng vụ việc không hòa giải được phải chuyển về trên thụ lý hàng năm giảm, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân.

Những lát cắt về hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật trên khắp nẻo biên cương Tổ quốc đã cho thấy hoạt động bền bỉ, chân thành và cũng đầy sức thuyết phục của hàng ngàn hòa giải viên và cộng tác viên pháp luật ở các thôn, bản, khu dân cư suốt 5 năm qua. Chính những người dân biên giới đã biết nâng cao uy tín, xác định trách nhiệm, phát huy vai trò chủ thể của mình để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, mang lại luồng sinh khí mới, tạo sự đồng thuận, giảm bất đồng trong cộng đồng dân cư. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên, cộng tác viên pháp luật cũng như liên tục đổi mới nội dung sinh hoạt pháp luật, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, sát thực với nhu cầu, đời sống của hội viên, cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO