Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Khi Lịch sử là môn tự chọn

Biên phòng - Những ngày vừa qua, thông tin môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Nhiều giáo viên cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nếu để Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông là không phù hợp. Trong khi đó, các chuyên gia về lịch sử cho rằng, cần có cách tiếp cận mới trong cách dạy, chương trình học.

Lịch sử dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia. Ảnh minh họa.

Theo nhiều giáo viên dạy lịch sử, quan điểm cấp trung học cơ sở học sinh đã học lịch sử, lên cấp trung học phổ thông chỉ cần học định hướng là chưa đầy đủ. Bởi phẩm chất, năng lực của học sinh hoàn thiện chủ yếu ở giai đoạn phổ thông trung học. Từ năm học 2022-2023, nếu học sinh không chọn môn Lịch sử, những chủ đề kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ không được học ở lớp 10 hay quan hệ quốc tế (lớp 12) sẽ là khoảng trống với học sinh. Mặc dù những kiến thức này ở bậc trung học cơ sở đã có, nhưng học sinh chưa nhận thức sâu sắc.

Mặt khác, bản sắc của một dân tộc được hình thành không phải “ngày một, ngày hai”, mà phải được tích lũy theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Bởi thế mà học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc. Với một quốc gia có hơn 4 nghìn năm lịch sử như nước ta, môn học này không thể coi nhẹ và ứng xử như một môn học bình thường. Đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, thời đại số, ranh giới của các nền văn hóa bỗng trở nên vô cùng mong manh; việc giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc trở nên vô cùng cấp thiết.

Lý giải cho những ý kiến còn băn khoăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình; tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lịch sử bảo đảm đạt được mục tiêu của chương trình.

Tuy nhiên, nhiều nhà sử học chỉ ra, học sinh ở bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào có thể không giỏi toán, ngoại ngữ nhưng không thể nói không biết gì về lịch sử quốc gia, dân tộc. Không biết cội nguồn thì sẽ không thấy được mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nhìn vào thực tế, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước, lịch sử là môn học mà học sinh ít mặn mà, ngại học. Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong trường trung học phổ thông cho thấy, chương trình hiện nay đang “ôm” quá nhiều kiến thức là nguyên nhân khiến học sinh ngại học lịch sử; phương pháp truyền đạt áp đặt, yêu cầu kiểm tra kiến thức nặng nề đang gây áp lực cho học sinh; quan niệm lịch sử là môn học phụ cũng dẫn đến học sinh chưa ưu tiên lựa chọn môn học này...

Lịch sử dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia - một sự phát triển có tiếp nối chứ không phải một sự phát triển bỏ gốc bỏ nguồn. Lịch sử dân tộc góp phần xây dựng tinh thần dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, không thể để những công dân của đất nước không hiểu lịch sử dân tộc.

Thực tế cho thấy, các nước phát triển chú ý đến lịch sử dân tộc một, thì những quốc gia đang phát triển phải quan tâm đến lịch sử dân tộc, bảo tồn bản sắc dân tộc đến mười. Khi làn sóng toàn cầu hóa càng mạnh thì cái gốc dân tộc phải càng sâu và chắc.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO