Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 09:34 GMT+7

Khi hậu phương Biên phòng là nhà giáo

Biên phòng - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với những người lính BĐBP có vợ là giáo viên không chỉ là dịp để họ tri ân về thầy cô, mái trường, mà còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng khác. Họ là con rể của nhà trường, là chồng của cô giáo nên hai vai gánh trọn trách nhiệm và niềm vui.

azdj_5a-1.JPG
Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Chính trị viên Hải đội 2, BĐBP Hà Tĩnh tặng quà cho vợ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Hoài Thương

Theo thống kê, BĐBP Hà Tĩnh có đến hơn một phần ba cán bộ, chiến sĩ có vợ là giáo viên. Thiếu tá Vũ Văn Minh, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động cho biết: "BĐBP kết hôn với cô giáo có nguyên cớ riêng. Cuộc đời người lính Biên phòng luôn ở nơi biên cương, hải đảo, nơi đầu sóng ngọn gió, xa gia đình nên không có thời gian để chăm sóc con cái.

Đặc biệt, khi con cái lớn lên, chúng tôi không có điều kiện ở gần để kèm cặp, tất cả nhờ vào bàn tay chăm sóc, giáo dục của vợ. Vợ làm nghề giáo có điều kiện để nuôi dạy con cái trưởng thành, để bản thân mình an tâm công tác". Còn Thiếu tá Trần Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn BP Phú Gia thấm thía rằng: "Chúng tôi đi xa, vợ vừa là mẹ, vừa là bố của các con. Vợ là hậu phương vững chắc cho chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" .

Theo Thượng tá Trần Đình Tứ, Chính trị viên Đồn BP Lạch Kèn, đơn vị anh có hơn một nửa quân nhân có vợ là cô giáo, cho nên đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, người nào cũng hứng khởi gọi điện, gửi quà chúc mừng vợ. "Hiện đơn vị có 3 đồng chí trẻ chưa xây dựng gia đình, nhưng có ý định lấy vợ làm  giáo viên, vì nghề giáo tuy vất vả, nhưng ổn định, nếu được dạy gần nhà thì có điều kiện chăm lo gia đình hơn" - anh Tứ tâm sự.

Mặt khác, hầu hết các đồn BP đều kết nghĩa với nhiều trường học đóng trên địa bàn. Điển hình, Đồn BP Lạch Kèn kết nghĩa với trường Tiểu học Xuân Yên, trường Tiểu học Cương Gián, trường Tiểu học Xuân Đan, trường Trung học cơ sở Hoa Liên... Những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa bộ đội và nhà trường là cơ hội tiếp xúc, giao lưu, chia sẻ, qua đó, nảy sinh tình cảm, tình yêu. Từ kết nghĩa, nhiều đôi bạn trẻ đã đến kết duyên, xây dựng tổ ấm gia đình.

Không chỉ giao lưu văn hóa, văn nghệ, BĐBP còn chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn với nhà trường, với các giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Theo Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tổ công tác đã phối kết hợp với trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hương Khê, trường Tiểu học Hương Liên làm tốt công tác vận động học sinh đến trường.

Đối với những học sinh bỏ học, cán bộ Biên phòng đến nhà vận động rồi đưa các em trở lại trường học. Đối với các cháu học sinh mầm non, tiểu học, mỗi buổi sáng các chú bộ đội lại đến từng nhà riêng gõ cửa đánh thức các em dậy để đưa đến lớp. Đó là chưa kể những lớp học do cán bộ, chiến sĩ BĐBP trực tiếp giảng dạy thêm cho các em học sinh dân tộc Chứt. Từ yêu người đến yêu nghề, từ nhiệm vụ đến tình cảm khiến cho họ gặp được nhau có được tiếng nói chung trong xây dựng tổ ấm gia đình.

Khi vợ là giáo viên không phải hoàn toàn thuận lợi. Nghề giáo cũng có những nỗi vất vả, hy sinh thầm lặng. Thiếu tá Vũ Văn Minh luôn chia sẻ, động viên vợ là Trần Thị Thúy Vân, giáo viên trường Tiểu học Thạch Linh, TP Hà Tĩnh những đêm thức khuya soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học.

Trung úy Lê Minh Toàn, BPCK cảng Vũng Áng - Sơn Dương thấm thía, vợ hai vai gánh vác một bên việc trường, một bên hai con còn nhỏ mà bản thân anh công tác xa nhà trên 100km. Anh tâm sự:  “Chờ cho con ngủ, vợ mới soạn được bài, thức đến 12 giờ đêm, lo lắng để giảng dạy thật tốt. Không giúp được gì, tôi chỉ biết gọi điện thoại về động viên".

Khi được hỏi: Quà tặng cho vợ Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, Thượng úy Chu Thanh Tú công tác ở cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh giãi bày: "Vợ tôi là Võ Thị Công, đang giảng dạy tại trường Trung học sơ sở Phan Đình Giót, huyện Cẩm Xuyên. Mỗi năm, cứ đến ngày 20-11, tôi tìm hiểu vợ tôi thích món quà gì và cố gắng mua món quà đó để tặng vợ. Cái chính không phải là giá trị của món quà mà nó thể hiện sự quan tâm, cách biểu hiện tình cảm với người thương yêu của mình".

Còn Thiếu tá Trần Mạnh Hùng mong muốn thật giản dị, ngày 20-11 được về nhà, nấu cho vợ một bữa cơm, nhưng ước mơ ấy chưa năm nào anh thực hiện được.  "Năm nay, tôi đã mua quà 20-11 cho vợ, cất kỹ một góc trong tủ. Tôi định sáng 20-11 dậy sớm, dành một điều thật bất ngờ cho vợ. Hy vọng, cô ấy sẽ thấy thú vị và cảm giác như tôi đang ở cạnh".

Thiếu tá Vũ Văn Minh lại mơ ước được cùng vợ cắm những bông hoa rực rỡ, tươi thắm nhất, cùng đến thăm các thầy, cô giáo trong trường chúc mừng ngày 20-11. Một số cán bộ, chiến sĩ khác lại muốn ở bên vợ, hát cho vợ nghe trong Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ có cách thể hiện riêng tấm lòng yêu thương của mình, nhưng đều gặp nhau ở một điểm là thương yêu, thủy chung, dành trọn trái tim cho người vợ. Và những người vợ của các chiến sĩ Biên phòng nguyện xứng đáng với tấm lòng yêu thương của chồng.

"Chúng tôi là những người vợ ở hậu phương, tuy hoàn cảnh vợ chồng cách xa do yêu cầu nhiệm vụ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình đảm đương gánh vác việc trường, việc nhà để chồng an tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc" - cô giáo Trần Thị Thúy Vân chia sẻ.
Hoài Thương - Văn Lê

Bình luận

ZALO