Biên phòng - Bá Thước là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa còn nhiều khó khăn, nhưng nơi đây lại được ví như “viên ngọc thô” với tiềm năng du lịch lớn. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bá Thước đã nỗ lực vượt khó, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng và đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Bá Thước là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp hiếm có ở miền Tây xứ Thanh, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo giữa lưng chừng trời như: Son Bá Mười, đỉnh Pù Luông, Kho Mường, bản Đôn với khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat, thác Hiêu, thác Muốn... Cùng cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng là trầm tích văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhiều lễ hội độc đáo thu hút du khách thập phương như: Mường Khô, Mái Đá Điều, Cầu Mưa... và các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. “Viên ngọc thô” Bá Thước nếu được “đánh bóng” sẽ là điều kiện quan trọng giúp Bá Thước đẩy mạnh du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, từ đó làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Cho đến nay, đã có nhiều xã đã tích cực động viên, tuyên truyền người dân mạnh dạn đầu tư làm du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định 3 khâu đột phá. Trong đó, hai nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn với phát triển du lịch là: Tập trung vào phát triển vùng kinh tế-xã hội đặc thù khu vực Quốc Thành (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông), trọng tâm là trồng dược liệu và phát triển du lịch sinh thái; quản lý và sử dụng có hiệu quả vùng lòng hồ thủy điện Bá Thước II vào phát triển kinh tế du lịch và nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tại Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng làm đòn bẩy giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển” - Ông Trương Văn Lịch, Bí thư Huyện ủy Bá Thước khẳng định về hướng phát triển kinh tế gắn với du lịch mà Đảng bộ huyện đã đề ra.
Từ những định hướng đúng đắn đó của huyện Bá Thước, chính quyền, nhân dân xã Thành Sơn đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó, tập trung xây dựng bản Kho Mường trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Bản Kho Mường có 60 hộ dân chủ yếu là người dân tộc Thái. Năm 2000, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hỗ trợ 3 hộ gia đình làm nhà du lịch sinh thái cộng đồng – homestay. Gia đình ông Lò Văn Nam có 17 năm tham gia làm du lịch cộng đồng. Ông Nam chia sẻ: “Mỗi năm gia đình tôi đón tiếp khoảng 300 lượt khách, chủ yếu là khách nước ngoài, với giá 280.000 đồng/người/ ngày, đêm. Gia đình tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Nhờ đó, mà cuộc sống của gia đình được cải thiện, có của ăn, của để”.
Là bản tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, bản Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) có tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 22 triệu đồng/người/năm. Gia đình anh Hà Văn Sỹ là hộ dân điển hình trong việc làm du lịch cộng đồng ở bản Hiêu. Những năm trước gia đình anh thuộc diện nghèo nhưng từ khi làm du lịch cộng đồng, cuộc sống gia đình anh đã thay đổi rõ nét và trở thành hộ giàu trong bản.
Vào mùa cao điểm của du lịch, có những ngày thu nhập của nhà anh Sỹ lên đến 12 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động khác trong xã. Anh Sỹ chia sẻ: “Kinh doanh các dịch vụ du lịch đã làm cho cuộc sống gia đình tôi có những đổi thay đáng kể, ngoài việc tạo thu nhập cho gia đình, còn tạo việc làm cho nhiều hộ khác trong bản. Từ khi thôn triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi cũng tích cực hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực”.

Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho biết: “Những năm qua, phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương đã có những bước tiến rất khả quan, góp phần phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn của xã. Cổ Lũng thực hiện phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó, tạo đột phá làm chuyển biến nhận thức của người dân, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.
Ông Sâm cũng đưa ra ví dụ cụ thể, việc phát triển du lịch ở xã đã tạo việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm. Điều này sẽ thúc đẩy xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới như: Thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động. Hay việc các hộ dân đầu tư bê tông hóa đường giao thông nông thôn giúp du khách đi lại thuận tiện hơn, góp phần cùng với toàn xã hoàn thành tiêu chí giao thông... Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm ổn định, cải thiện đời sống của nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn.
Toàn huyện Bá Thước có 50 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón tiếp khách, trong đó, 40 cơ sở lưu trú cộng đồng tại Pù Luông, 20 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ có sức chứa khoảng 742 khách/ngày với hơn 190 phòng nghỉ và 19 nhà sàn đón tiếp khách - homestay. Giai đoạn 2011 - 2017, Bá Thước thu hút 24 dự án đầu tư vào ngành du lịch, với tổng vốn đầu tư hơn 68 tỷ đồng; riêng năm 2017, thu hút được hơn 46 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện Bá Thước đã thu hút 26.000 lượt khách đến tham quan du lịch, lưu trú tại huyện.
Xuân Anh