Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 01:08 GMT+7

Khi đảng viên là “sứ giả hữu nghị”

Biên phòng - Những năm gần đây, với mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều cách làm hiệu quả và sáng tạo. Điều đáng ghi nhận là, nhiều đảng viên đã phát huy vai trò của mình, thực sự gương mẫu đi đầu trong việc vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, xứng đáng với tên gọi “sứ giả hữu nghị” mà nhân dân đã đặt cho.

Thượng tá Bùi Xuân Tài (thứ 2 từ phải sang) tham gia chương trình tọa đàm Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5 năm 2018. Ảnh: Trung Phong

Đã thành lệ, mỗi năm hai lần, hơn 80 cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (BĐBP Lạng Sơn) và Đảng Cộng sản Trung Quốc thuộc Trạm Kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan (Tổng đội Công an Biên phòng Quảng Tây, Trung Quốc) lại gặp gỡ nhau trong dịp sinh hoạt Đảng đặc biệt với chủ đề “Lá cờ Đảng soi sáng biên cương” và “Trung - Việt hữu nghị tâm liền tâm”. Tin cậy, phấn chấn và đầy hi vọng là những gì chúng tôi cảm nhận được khi chứng kiến những đảng viên mặc áo lính của hai đất nước, hai lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh biên giới cửa khẩu cùng nhau hát vang bài Quốc tế ca hùng tráng.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Trạm Kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan là một trong những cặp đơn vị đầu tiên tổ chức ký kết giao lưu kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên” và cũng là đơn vị thí điểm tổ chức mô hình “Giao lưu chính trị” giữa lực lượng quản lý, bảo vệ cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Với chức trách là Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị lúc đó, Thượng tá Bùi Xuân Tài, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Lạng Sơn đã chỉ đạo đơn vị cùng với phía bạn triển khai mô hình bằng nhiều hình thức sinh động, biểu hiện cho tình đoàn kết, chia sẻ chân thành, như mở các lớp học “Cùng nói tiếng láng giềng, cùng hát bài ca hữu nghị”, tọa đàm song phương “Đọc và bình luận các trước tác cách mạng”, “Cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh” và ký biên bản ghi nhớ cùng nhau xây dựng “Cửa khẩu kiểu mẫu”... Trong đó, đặc biệt là tích cực cùng nhau học tập Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nghiên cứu “Phương pháp công tác Đảng ủy” của Chủ tịch Mao Trạch Đông và văn kiện “Sửa đổi lề lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Thượng tá Thạch Tương Quốc, Trạm trưởng Trạm Kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan rất tâm đắc khi nhắc đến người đồng chí bên kia biên giới: “Đồng chí Tài đối với chúng tôi hết sức gắn bó, chúng tôi đã cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cùng nhau làm tốt công tác đối ngoại chính trị để làm tăng thêm ý nguyện và nhận thức chung của hợp tác hữu nghị, giúp thúc đẩy thực thi pháp luật càng nhanh chóng và hiệu quả”.

Năm 2019, Đồn trưởng Bùi Xuân Tài được bổ nhiệm cương vị mới, song, anh vẫn rất nỗ lực tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn những biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới và đối ngoại hiệu quả. Nhờ vậy mà những năm gần đây, đã có hàng trăm chuyên án buôn bán ma túy, mua bán người và gian lận thương mại được hai đơn vị phối hợp triệt phá thành công. Đường biên, mốc giới được bảo vệ vẹn toàn, nhân dân yên tâm đầu tư canh tác, phát triển sản xuất trên lãnh thổ của đất nước mình; việc giao thương, trao đổi nông sản, hàng hóa của nhân dân hai bên biên giới được tạo điều kiện thuận lợi.

Giống như Thượng tá Bùi Xuân Tài, tại ngã ba biên giới Bờ Y, tỉnh Kon Tum, Thượng tá Lê Công Khoa, Đội trưởng đội K53, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum cũng là một cầu nối hữu nghị giữa ba đất nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đã 15 năm qua, cứ mỗi khi mùa khô đến, anh lại cùng đồng đội chia quân về các hướng để tìm kiếm và quy tập hài cốt các liệt sĩ đã hi sinh tại chiến trường Lào và Campuchia trong những năm chiến tranh ác liệt. Chờ đón các anh bên kia biên giới để cùng bước vào hành trình mùa khô năm 2017 chính là những cán bộ chiến sĩ thuộc Đội công tác đặc biệt của ba tỉnh Át Ta Pư, Chăm Pa Sắc, Sê Kông (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

Qua 15 năm cùng hàng trăm lần băng rừng giữa chang chang nắng đốt, dìu nhau vượt dốc, qua đèo, ca nước nhường nhau, miếng lương khô chia nửa đã làm nên nghĩa tình giữa Thượng tá Lê Công Khoa, những đội viên K53 và những người đồng chí nước bạn. Ngoài những lần hành quân tìm kiếm tại những khu vực hiểm trở, mỗi khi thời tiết không thuận lợi, Thượng tá Khoa lại chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của bạn triển khai làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con hiểu về chính sách của hai Đảng, hai Chính phủ về công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam.

Đồng thời, anh và đồng đội luôn sẵn sàng “ba cùng”, giúp đỡ nhân dân nước bạn chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, vượt qua thiên tai, dịch bệnh? Rồi bạn tranh thủ giúp cán bộ của ta học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc nước bạn để dễ dàng hòa nhập cùng bà con.

Với đặc thù của nhiệm vụ, nhiều năm, các cán bộ đội K53 đã ở lại trên đất bạn ăn Tết cùng đồng đội, đồng chí. Năm nay thì đặc biệt hơn bởi có đoàn công tác của chúng tôi tham gia. Không khí rộn ràng, phấn khởi cũng lan tỏa đến các cán bộ, chiến sĩ của nước bạn. Họ cùng nhau trang trí phòng họp, cắt dán hoa, tập văn nghệ, chơi trò chơi dân gian và bạn đã cảm nhận được cái Tết của bộ đội Việt Nam đầy ắp tình cảm, ấm áp tình đồng đội. Từ ngày các anh ở đây, bà con đã biết thêm nhiều phong tục Tết Việt nên rất hồ hởi tham gia. Các anh được người dân Campuchia yêu quý tặng những vòng hoa nhài thơm nức cùng những lời cầu chúc bình an, may mắn...

Còn nơi biên thùy điệp trùng rừng núi của huyện Căm Cớt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, tình nghĩa Lào - Việt dường như sâu nặng hơn, ấm nồng hơn khi có dấu chân của người lính Biên phòng Việt Nam mang thuốc đến chữa bệnh cho dân, mang cây lúa, cây gừng thay cho cây anh túc... Suốt 13 năm nay, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ đã trở thành điểm tựa của nhân dân các dân tộc Lào Sùng, Lào Thơm, Lào Nùng thuộc 13 bản nơi đây.

Là một bác sĩ quân y giàu kinh nghiệm, nên ngay sau khi Trạm Y tế Thoọng Pẹ được xây dựng không bao lâu, bác sĩ Đức được giao nhiệm vụ sang phụ trách trạm và triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân biên giới nước bạn. Bước chân người bác sĩ này đã đi đến rất nhiều nếp nhà để khám chữa bệnh và vận động nhân dân thay đổi hủ tục, áp dụng cách làm ăn mới. Nhân dân 9 bản biên giới thuộc huyện Căm Cớt đã tin tưởng, đến với người thầy thuốc quân hàm xanh của Việt Nam mỗi khi ốm bệnh. Cây gừng ngày nay đã trở thành cây trồng chủ yếu mang lại nguồn sống và thu nhập ổn định cho bà con. Khi cây gừng nảy nở trên đất Thoọng Pẹ thì cũng là lúc cây anh túc không còn đất sống. Qua nhiều đời trưởng bản, trưởng bản nào cũng nhớ ơn bác sĩ Đức và coi anh như một thành viên đáng kính của bản mình.

Điều thú vị là ở trạm quân dân y đặc biệt này, bệnh nhân không cần quan tâm đến giới hạn địa chính, không lo bị phân tuyến, có thể đến trạm xá bất cứ lúc nào mà không cần có bảo hiểm y tế hay giấy giới thiệu, khi đi khám bệnh lại càng không phải lo đến chuyện tiền nong. Người bệnh sau khi khám không dùng đơn thuốc hướng dẫn như thông thường mà bác sĩ Đức cùng đồng nghiệp phải chia các loại thuốc theo từng ngày rồi cho vào từng túi nilon nhỏ. Đến hẹn, nếu không thấy bệnh nhân đến tái khám thì các anh phải thay nhau tìm đến nhà bệnh nhân để kiểm tra.

Bác sĩ Đức kể lại những “trái khoáy” trong hoạt động khám chữa bệnh của các anh với một giọng hài hước và thương cảm. Chúng tôi cảm nhận được rằng, quãng thời gian sống trong tình hữu nghị, đoàn kết Việt - Lào anh em, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nước bạn đủ để thấy người bác sĩ này đã đặt toàn bộ hoài bão, tâm huyết của mình ở đây. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sự ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân trong bản đã làm lòng người thêm yêu thương, gắn bó.

Các anh được bà con nơi đây coi là người “con của bản” - một điều ngoại lệ bởi người Mông thường tuyệt đối không bao giờ dành tình cảm cho người ngoại tộc. Thế mới biết, khi tâm tình được gửi trao đầy chân thành và trách nhiệm, khi sự vất vả, tận tụy của người bác sĩ đã làm thay đổi cuộc sống của biết bao bản làng thì cũng là lúc các anh đã thắp sáng lên y đức và tấm lòng nhân văn của người Việt Nam nơi biên cương xa xôi này.

Có thể nói, những đảng viên mặc áo lính ấy đã thực sự phát huy vai trò của mình, gương mẫu đi đầu trong việc vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, xứng đáng với tên gọi là “sứ giả hữu nghị” mà nhân dân đã đặt cho.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO