Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Khép lại “bầu trời Mở” - khép lại “đôi mắt châu Âu”?

Biên phòng - Việc Nga mới đây tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở và quá trình chấm dứt chính thức sẽ diễn ra trong 6 tháng tới. Động thái này tiếp tục hằn sâu mối quan ngại đối với rất nhiều quốc gia về số phận không mấy tốt đẹp của Hiệp ước này. Trong dư luận quốc tế, bầu không khí chung bao trùm là sự thất vọng khi có thêm một cơ chế đảm bảo an ninh quốc tế sắp chính thức bị vô hiệu hóa.

Các thành viên lực lượng không quân Nga chụp ảnh sau khi hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Travis, Mỹ trong quá trình thực hiệm nhiệm vụ Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: Không quân Mỹ

Vì đâu nên nỗi?

Những năm gần đây, không ít lần thế giới chứng kiến những hành động đơn phương gây nên những “hiểm họa” bất ổn có thể xảy đến trong tương lai. Ngay cả khi nhân loại phải đối diện với dịch Covid-19 khiến hàng nghìn người thiệt mạng mỗi ngày, những hành động đơn phương vẫn không ngừng diễn ra, đe dọa nghiêm trọng đến lòng tin giữa các quốc gia, từng bước phá hủy các cơ chế đa phương.

Một hành động nổi bật trong năm 2020 là việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở bất chấp sự phản ứng của quốc tế, gồm cả những đồng minh thân cận. Mỹ cáo buộc Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này cũng như lạm dụng Hiệp ước để “chuộc lợi”.

Dẫu vậy, Nga luôn bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và vẫn cho thấy động thái duy trì Hiệp ước. Song, mới đây, Nga đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước này, hằn sâu hơn mối quan ngại sâu sắc đối với an ninh quốc tế ngay trong tương lai gần. Giới phân tích an ninh châu Âu đánh giá, động thái của Nga sẽ khép lại “đôi mắt châu Âu”, bởi lẽ, Hiệp ước này vốn là một trong những trụ cột trong kiến trúc an ninh châu Âu trong ba thập kỷ qua.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan rằng, hành động đơn phương rút khỏi Hiệp ước của chính quyền cựu Tổng thống Trump trước đó cơ bản đã phá hủy sự cân bằng lợi ích của các quốc gia thành viên trong Hiệp ước, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động thực chất của Hiệp ước và làm suy yếu vai trò là một biện pháp xây dựng lòng tin, an ninh. Đồng thời, cũng phơi bày sự rạn nứt ngày càng tồi tệ hơn giữa Mỹ và Nga.

Nga công bố nguyên nhân khiến Nga rút khỏi Hiệp ước đạt được sau Chiến tranh Lạnh này là do các bên thiếu tiến bộ để duy trì Hiệp ước sau khi Mỹ rút, đồng thời không ủng hộ các đề xuất của Nga để Hiệp ước hoạt động trong bối cảnh mới. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ rút khỏi Hiệp ước nhưng yêu cầu các đồng minh châu Âu (vẫn là thành viên Hiệp ước) cung cấp dữ liệu trinh sát trên bầu trời Nga.

Trước động thái mới nhất của Nga, bên cạnh việc chỉ trích Mỹ cũng có một luồng dư luận quốc tế chỉ trích Nga vì cho rằng, Nga lựa chọn thời điểm rút khỏi Hiệp ước ngay trước thềm Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, điều này như một hành động phản đối chính quyền của ông Biden sau cuộc bầu cử Mỹ.

Trả lời truyền thông quốc tế về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ luận điểm trên và khẳng định, Nga rút khỏi Hiệp ước là phản ứng đối với chính quyền ông Trump và cần phải làm trong thời điểm ông Trump còn đương nhiệm. Ông Trump là người đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp ước nên Nga cũng sẽ chấm dứt chủ đề này khi ông Trump đương nhiệm. Bà Maria cũng tái khẳng định mạnh mẽ rằng, Nga không muốn đối đầu với bất kỳ quốc gia nào.

Khép lại

Nhiều quốc gia đã đưa ra tuyên bố chính thức với quan điểm chung là bày tỏ sự nuối tiếc khi cấu trúc an ninh và lòng tin quốc tế đang “thụt lùi”. Ngoài ra, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Liên minh quân sự hùng hậu nhất thế giới cũng đánh giá, việc cả Mỹ và Nga cùng rời khỏi Hiệp ước sẽ làm cơ chế này suy yếu nghiêm trọng. Các nước NATO cũng như các nước còn lại sẽ tìm cách duy trì Hiệp ước và sẽ cùng Nga đối thoại để có giải pháp kiểm soát vũ khí khác trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov, dù tuyên bố rút khỏi Hiệp ước, song, nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về ngày chính thức rút khỏi Hiệp ước sau khi có kết quả đối thoại với chính quyền mới của Mỹ. Cuộc đối thoại này dự kiến sẽ sớm diễn ra và có thể kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

Máy bay quan sát OC-135B của Mỹ thực hiện chuyến bay theo Hiệp ước Bầu trời Mở tại Nga. Ảnh: Touchdown Aviation

Dù chưa “ngã ngũ”, song, giới chuyên gia an ninh quốc tế đánh giá, về bản chất, Hiệp ước này đã cho thấy nhiều yếu tố không còn phù hợp với thời cuộc và khả năng cao là khó có thể duy trì. Đặc biệt là sự leo thang căng thẳng Nga - Mỹ trong thời gian qua cũng đang cho thấy một triển vọng không tốt đối với các cơ chế kiểm soát vũ khí mà Hiệp ước Bầu trở Mở là một trong số đó.

Hiện nay, Mỹ và Nga đang còn duy trì duy nhất Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được ký năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2 tới đây. Tương lai của Hiệp ước New START cũng đang rất “bấp bênh” với phần lớn dự báo sẽ có “cái kết buồn”. Mặt khác, tương lai quan hệ Mỹ - Nga cũng không được dự báo là sẽ “nồng ấm” hơn dưới thời Tổng thống Biden.

Theo giới chuyên gia quốc tế, quan hệ giữa hai siêu cường thế giới này lâu nay vẫn luôn căng thẳng, song, các cơ chế kiểm soát vũ khí bị suy yếu chắc chắn gây tổn hại nghiêm trọng tới cấu trúc an ninh toàn cầu.

Điều này có thể trở thành “gốc rễ” nguy cơ diễn ra những cuộc chạy đua vũ trang cũng như gia tăng các nguy cơ bùng nổ xung đột. Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở là “cú hích” mạnh để “khép lại” Hiệp ước này và cũng gióng lên hồi chuông báo hiệu có thể sẽ khép lại một tương lai không còn những hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa các siêu cường.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO