Biên phòng - Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Út là sự nồng hậu, chân thành và cởi mở. Từ phận người làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, với khát vọng vươn ra biển lớn, đến hôm nay anh Út đã trở thành ông chủ, tạo việc làm cho 300 lao động.

Anh Út tên thật là Nguyễn Văn Triều, ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tôi gặp anh khi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang xuống địa bàn. Cung cách nói chuyện của anh với những người lính Biên phòng tự nhiên, thân thiết như người trong gia đình.
Nói không với khai thác bất hợp pháp
Câu chuyện nóng mà cán bộ Biên phòng hay nhắc tới mỗi lần xuống địa bàn chính là việc ngư dân bị mất tàu do vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt cá không theo quy định. Điều đó không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho chính ngư dân, mà còn làm tổn hại uy tín của đất nước. Cán bộ Đồn Biên phòng Tây Yên đang cùng với chính quyền địa phương nỗ lực vận động nhân dân xóa bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, tiến tới phát triển bền vững nghề cá. Trong nỗ lực đó, họ nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của những ông chủ tàu như anh Út.
Cho chúng tôi xem màn hình điện thoại trên đó có hiện bản đồ vùng biển Việt Nam với rất nhiều tàu cá, anh Út hào hứng nói: “Trước đây, việc quản lý tàu cá trên biển rất khó. Chủ tàu ngồi ở nhà không biết tàu của mình đi đâu, làm gì. Từ ngày có công nghệ hỗ trợ, tôi khỏe re. Thiết bị giám sát hành trình có cái hay là tàu đi đâu, tôi đều biết. Ngồi ở nhà, chỉ cần mở điện thoại ra là biết tàu đang ở đâu, đi có đúng tuyến không. Tàu gặp sự cố, thiết bị cũng báo vị trí về cho người trong đất liền biết”.
Anh Út thuộc làu các mức phạt với các lỗi mất tín hiệu giám sát hành trình, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài..., vì thế, để tránh mất tiền của nộp phạt, bị tịch thu tàu, thậm chí tù tội hay nguy hiểm đến tính mạng trên biển, anh Út luôn nhắc nhở, giáo dục các thuyền trưởng trong đội tàu của mình đánh bắt đúng vùng biển quy định. “Có thể, nhiều người không quan tâm phương tiện của mình thế nào, còn tôi, ngày nào cũng mở điện thoại nhìn xem tàu đang đánh bắt ở đâu. Nếu thấy tàu gần tới vùng biển nước ngoài là tôi liên lạc, yêu cầu thuyền trưởng quay về” - anh Út nói.
Xây dựng cơ ngơi từ con số 0
Những người lính Biên phòng bảo rằng, anh Út là điển hình của khát vọng vươn khơi, bám biển làm giàu. Chính khát vọng đó dẫn đường cho anh từ một người làm thuê trở thành ông chủ đoàn tàu với 30 chiếc, một xưởng sửa chữa tàu, vài ngôi nhà bạc tỉ. Anh còn có một tấm lòng rộng mở với mọi người, nhất là những người nghèo khó, bởi “tôi từng sống nghèo khó nên rất thương người nghèo” - như cách lý giải của anh.
Nếu không nghe chuyện quá khứ, mà chỉ nhìn vào hiện tại, khó ai nghĩ rằng anh Út đi lên từ hai bàn tay trắng. “Nhìn lại ngày xưa chỉ thấy khổ cực, em ạ. Gia đình tôi làm đủ nghề, từ làm ruộng, đốn lá dứa nước thuê rồi đi bắt ba khía, chạy đò, xay lúa... Làm miết mà vẫn thiếu thốn, đói khổ không kể hết được” - anh Út nhớ lại thuở hàn vi.
Trên bờ khổ cực quá, anh Út xuống biển tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống. “Tôi trốn mẹ, theo ghe của người ta đi câu cá lạt. Đầu tiên, tôi không quen biển, say sóng lắm nên chỉ làm phụ bếp, nấu ăn cho mọi người trên ghe thôi. Khi đã quen với biển, tôi bảo mẹ ráng mua cho tôi một chiếc ghe để tự mình làm. Mong muốn là thế, nhưng mẹ tôi đâu có tiền” - anh Út nhớ lại.
Năm 19 tuổi, anh Út lập gia đình trong cảnh nghèo khó. Anh tiếp tục đi làm mướn, trải nghiệm qua rất nhiều nghề khác nhau. “Tôi đi ghe lưới mé bắt cá lù đù, cá chai. Sau đó, tôi đi ghe bắt ghẹ, cua, cào tôm, rồi đi ghe làm nghề lưới thủng bắt cá ba thú, ghe cào đôi...” - anh Út kể tiếp.
Cơn bĩ cực rồi cũng qua. Cuộc đời anh Út bắt đầu sang trang mới khi lần khởi nghiệp đầu tiên thành công. “Đó là vào năm 1996. Tôi vay mượn người quen được 3 cây vàng để đầu tư chiếc ghe 20CV. Đúng đợt đó, cơn bão số 5 tàn phá vùng biển này ghê gớm. May mắn là ghe của tôi không bị sao. Ngẫm lại tôi thấy trời vẫn còn thương mình” - anh Út nhớ lại.
Năm 1998, Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn phát triển nghề cá, anh Út mạnh dạn vay vốn, đóng thêm một chiếc tàu công suất 90CV. Anh bảo: “Hồi giờ sống khổ cực quá nên khi biết có chính sách cho vay vốn, tôi quyết tâm làm để nuôi vợ con”.
Quyết chí làm giàu, năm 2001, anh Út mướn thêm một chiếc tàu 90CV, lặn lộn với biển cả. Sau khi có được lưng vốn, anh Út không trực tiếp đi biển mà giao lại cho thuyền trưởng thân tín. Anh ở trong bờ “điều binh khiển tướng”, quản lý đội tàu của mình. “Hồi đó, cá nhiều lắm, tàu đi trúng liên tục. Nhờ trời, tôi mần ăn được. Có chút vốn rồi, tôi nâng cấp chiếc ghe công suất 20CV lên thành tàu lớn hơn. Năm 2004, tôi đóng thêm một chiếc tàu dài 21m. Tôi trả lại người ta chiếc tàu thuê năm 2001. Từ hồi đó, năm nào tôi cũng đóng thêm tàu mới. Đến nay, tôi có 30 chiếc tàu. Năm vừa rồi, một cặp tàu của tôi thu về 15-16 tỉ đồng” - anh Út cười sảng khoái nhớ lại chặng đường khởi nghiệp của mình.
Có một điều khá đặc biệt là anh Út tự thiết kế tàu, điều chỉnh các bộ phận lao động trên tàu cho phù hợp nhất với thực tiễn sản xuất trên biển và mang lại hiệu quả cao nhất. “Nhiều đêm tôi nằm không ngủ mà cứ miên man suy nghĩ về việc đóng tàu. Tôi tự mua gỗ về đóng tàu. Tôi từng đi biển nên hiểu rõ tính năng hoạt động của máy móc trên tàu nên tự điều chỉnh để phương tiện hoạt động theo ý mình” - anh Út kể.

Mày mò, suy nghĩ trong nhiều đêm, anh Út rút ra kinh nghiệm đóng tàu, vận hành máy tàu tiết kiệm nhiên liệu. “Nếu như cặp tàu của người ta tốn 1.200 lít dầu thì cặp tàu của tôi chỉ tốn 800 lít dầu. Một giờ giảm được 10 lít dầu, tiết kiệm mỗi năm 1,5 tỉ đồng/cặp tàu chứ không ít đâu” - anh Út sôi nổi phân tích cho tôi nghe.
Chia sẻ bí quyết giúp anh thành công trong nghề biển, anh Út cho hay: “Tôi tổ chức 5-6 chiếc tàu hậu cần chạy ra biển tiếp dầu và lấy cá về. Vì thế, có những chuyến đi biển tới 3 tháng, tàu mới quay về bờ, hạn chế được rất nhiều chi phí phát sinh”.
“Lực lượng lao động cũng là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi chuyến biển. Nhiều chủ tàu phải chạy đôn, chạy đáo tuyển ngư phủ cho mỗi chuyến biển. Còn tôi hơn người ta ở chỗ không thiếu lao động. 30 thuyền trưởng hiện tại do tôi đào tạo. Các thuyền viên của tôi đều siêng năng, giỏi nghề. Mình làm ăn có lợi nhuận, anh em rất tin tưởng. Anh em có khó khăn, tôi hết sức giúp đỡ để họ vượt lên. Có những thuyền trưởng đã gắn bó với tôi 20 năm nay rồi” - anh Út chia sẻ.
Không dừng lại ở lĩnh vực khai thác hải sản, anh Út còn đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa và đóng tàu cá. Xưởng tàu của anh hiện có 100 công nhân. Thời điểm chúng tôi tới thăm là lúc anh Út đang san nền, mở rộng xưởng tàu của mình. Anh rất tin tưởng vào kênh đầu tư này. Còn tôi tin rằng, tương lai của anh Út vẫn đang rộng mở ở phía trước.
Bích Nguyên